Đấu thầu vàng miếng có xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng, việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là giải pháp trước mắt để giảm nhiệt giá vàng SJC, nhưng về căn cơ vẫn phải cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng.

Cơn sốt của sự khan hiếm

Thị trường vàng thời gian qua đã tăng trưởng nóng hơn dự kiến khiến rất nhiều chuyên gia kinh tế phải thừa nhận đã dự báo sai về giá kim loại quý này. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, vàng SJC đang giao dịch quanh mức 81,10 - 84,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng tới 10 triệu đồng/lượng tính từ đầu năm. Vàng nhẫn thậm chí còn có mức tăng mạnh mẽ hơn, tới 13 - 14 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC 9999 tùy thương hiệu. Sở dĩ vàng SJC tăng chậm hơn vàng nhẫn (trái với diễn biến trước đó) chủ yếu do những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về việc giảm chênh lệch giữa vàng SJC và giá vàng thế giới. Dù dậy, mức chênh lệch này vẫn khá cao, hiện vào khoảng 10,5 triệu đồng/lượng. Lúc cao điểm, thương hiệu vàng này đã có lúc chênh với giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Nhu cầu giao dịch vàng tăng cao khi giá vàng biến động mạnh

Nhu cầu giao dịch vàng tăng cao khi giá vàng biến động mạnh

Việc giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường thế giới khi từ đầu năm giá vàng thế giới đã tăng tới hơn 300 USD/ounce. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng lớn của người dân trong nước trong khi nguồn cung khan hiếm cũng là một phần nguyên nhân khiến thị trường trong nước nóng sốt. Tại một vài doanh nghiệp đã xuất hiện cảnh người dân chen chúc mua bán vàng vào những ngày giá biến động mạnh. Do nhu cầu thay đổi liên tục nên các doanh nghiệp cũng điều chỉnh giá liên tục, có những ngày biên độ dao động giá lên đến hơn 2 triệu đồng/lượng. Sở dĩ nguồn cung vàng trong nước khan hiếm là do từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 24) ra đời, nguồn cung vàng gần như không tăng thêm, nếu có thì chủ yếu đến từ vàng nhập lậu. Theo đó, Nghị định 24 quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, đồng thời sẽ cấp phép nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, cơ quan quản lý không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng.

Năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, qua 76 phiên đấu thầu vàng, NHNN đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng.

Việc sửa đổi Nghị định 24 được các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị từ cách đây nhiều năm. Đa số ý kiến cho rằng nghị định này đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi loại bỏ tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã nhiều năm, đồng thời tư duy, nhận thức của người dân cũng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, ở phía cơ quan quản lý còn nhiều cân nhắc suốt nhiều năm và đã không ít lần trễ “deadline”. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi tỷ giá căng thẳng, quyết định cho nhập khẩu vàng hay không càng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Bởi nếu cấp phép nhập khẩu vàng có thể càng đẩy căng thẳng lên một nấc mới khi sẽ phải tiêu tốn thêm một lượng ngoại tệ lớn cho hoạt động này.

Sẽ đấu thầu, tăng cung vàng miếng

Trong lúc việc sửa Nghị định 24 đang được cân nhắc thì cơn sốt vàng thế giới và trong nước gần đây lại đặt cơ quan quản lý vào tình thế buộc phải hành động. Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho thị trường vàng, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối Nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Về phía cơ quan quản lý, NHNN khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước với giá thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ… Ngay sau đó, NHNN đã có thông tin về việc sẽ đấu thầu vàng miếng. Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho hay, NHNN đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác đấu thầu vàng miếng SJC, dự kiến sẽ thực hiện vào thứ hai tuần tới.

Đấu thầu vàng không phải giải pháp căn cơ

Dù hoạt động đấu thầu, tăng cung vàng miếng được mong chờ, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây chỉ là một giải pháp tình thế chứ khó có thể giải quyết “ngay và luôn” tình trạng chênh lệnh giá vàng trong nước và quốc tế như chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. “Cho nên, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo” - TS Đinh Thế Hiển nói.

Theo vị chuyên gia, đầu tư, tích trữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân. Cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng. Từ đó, có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để NHNN cấp quota (hạn ngạch) cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhằm tăng nguồn cung. Đều đặn bổ sung nguồn cung như vậy, chênh lệch cung cầu, chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần.

Về nỗi lo người dân tích trữ vàng dẫn đến vàng hóa nền kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng là không đáng lo. “Thậm chí, tôi cho rằng, với nền kinh tế thì tích lũy vàng còn tốt hơn là tích lũy đất. Lý do là đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào” - vị chuyên gia nêu quan điểm.

Tương tự, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc xóa bỏ chênh lệch phi lý của vàng trong nước và thế giới cần biện pháp thương mại chứ không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Việc đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp. Vị chuyên gia cũng lưu ý, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. “Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch với các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác” - TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị.

Trước ý kiến lo ngại về tỷ giá, một số ý kiến cho rằng cần thận trọng, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang nóng hiện nay, cho phép nhập khẩu vàng sẽ tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng không cần quá lo lắng. Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Thực tế là đâu đó vẫn phải nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì cơ bản Việt Nam không có nhiều nguồn vàng trong nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải tính toán nhập về bao nhiêu vàng, thời điểm nào, để vừa đảm bảo quan hệ cung - cầu, vừa để kiểm soát dự trữ ngoại hối, đồng thời vẫn góp phần ổn định tỷ giá cũng như kinh tế vĩ mô”.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định, dù là buôn lậu thì cũng phải lấy ngoại tệ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, ông tính toán lượng ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD, không cao so với hàng chục tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng khác. Theo các chuyên gia, để người dân không chạy theo vàng thì điều quan trọng là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió.