- Liên hợp quốc thông qua dự thảo Công ước về phòng chống tội phạm mạng
- Khuôn khổ pháp lý mới sẽ giúp tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng
Khuôn khổ pháp lý đa phương phòng chống tội phạm mạng
Chiều 24-12, tại trụ sở ở thành phố New York của Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025, do đó Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.
|
Đại hội đồng LHQ thông qua “Công ước Hà Nội” về chống tội phạm mạng |
Những năm qua, mạng toàn cầu Internet và đặc biệt là các nền tảng công nghệ, mạng xã hội xuyên biên giới phát triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng, lan tỏa tới hầu như mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế-xã hội. Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng không giới hạn đối với sự phát triển của nhân loại, công nghệ số cũng đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Đặc biệt là sự gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới, với 78,44 triệu người sử dụng Internet tính đến đầu năm nay, tương đương 79,1% dân số. Kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng. Do đó, bên cạnh những mặt tích cực, tội phạm mạng tại Việt Nam diễn biến phức tạp, chiều hướng gia tăng.
Trong năm 2023 vừa qua, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Thống kê trên cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỉ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Nhằm ứng phó, tăng cường hợp tác đấu tranh loại tội phạm xuyên quốc gia trên không gian mạng, Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 27-12-2019, thông qua Nghị quyết 74/247 thành lập Ủy ban Chuyên trách liên chính phủ nghiên cứu khả năng xây dựng một công ước quốc tế toàn diện về chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích tội phạm và việc đàm phán được bắt đầu từ năm 2021. Sau gần 4 năm đàm phán, “Công ước Hà Nội” ra đời là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe doạ ngày càng tăng trên không gian mạng.
Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) gồm 9 chương và 71 nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Công ước tạo khổ pháp lý cho các nước thành viên tiến hành hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội trên không gian mạng, bao gồm nhiều loại tội phạm hiện gây nhức nhối như tấn công hệ thống máy tính, lừa đảo trực tuyến, phát tán trái phép hình ảnh nhạy cảm, xâm hại trẻ em, rửa tiền… Cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia có thể thực hiện các hoạt động hợp tác thông qua kênh 24/7, bảo đảm phản ứng nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phòng chống hiệu quả tội phạm mạng.
Bộ Công an chủ trì lễ ký “Công ước Hà Nội”
Trả lời báo chí sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng và chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức lễ ký Công ước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là thành quả xứng đáng sau gần 5 năm Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác nỗ lực đàm phán không mệt mỏi. Với tư cách là văn kiện đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc sau 20 năm, Công ước này đã mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia với nhiều ý nghĩa quan trọng.
“Công ước Hà Nội” khẳng định, vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tội phạm mạng, một vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược sâu sắc, quan điểm và cách tiếp cận về vấn đề tội phạm mạng khác nhau, việc thông qua Công ước bằng đồng thuận củng cố niềm tin vào vai trò của Liên hợp quốc và cách tiếp cận đa phương cũng như thể hiện thiện chí và mong muốn thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các quốc gia đối với các vấn đề quốc tế. Sự ra đời của Công ước có thể trở thành hình mẫu cho các khuôn khổ quốc tế trong tương lai về công nghệ số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhìn nhận về việc Việt Nam được Liên hợp quốc chọn làm điểm đăng cai lễ ký Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, ngay từ đầu, Việt Nam đã quan tâm và ủng hộ khởi động đàm phán Công ước và kiên trì quan điểm thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế về không gian mạng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Xuyên suốt 8 kỳ họp của Ủy ban Chuyên trách từ 2021-2024, Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất cho nội dung Công ước.
Có thể nói, với tinh thần thiện chí, xây dựng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, Việt Nam được Liên hợp quốc và các quốc gia đối tác tin tưởng, đánh giá cao trong toàn bộ tiến trình. Vì vậy, khi đề xuất trở thành nước chủ nhà đăng cai lễ ký Công ước lịch sử này trong năm 2025, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ tích cực, rộng rãi từ bạn bè quốc tế. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Công an - cơ quan chủ trì lễ ký Công ước - tích cực làm việc với Liên hợp quốc để tổ chức sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai lễ ký một Công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung. Việc Việt Nam chủ động đề xuất đăng cai lễ ký một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc này cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó tội phạm luôn là mối đe dọa đối với an ninh, kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức lễ ký Công ước, từ nay địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ XXI. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện Công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.