Dấu hiệu thường gặp của chứng đau cơ xơ hóa

ANTĐ - Hội chứng đau cơ xơ hóa là tình trạng đau mạn tính bao gồm những cơn đau cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Những cơn đau kèm theo cảm giác mệt mỏi, mất ngủ hoặc cứng khớp... có thể tiến triển nặng lên theo thời gian gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của bệnh nhân. 

Đau cơ xơ là một rối loạn của trung tâm hệ thống thần kinh  kích hoạt bởi chấn thương hoặc các vấn đề tâm lý. Nguyên nhân chính xác của bệnh hiện chưa xác định. Tuy nhiên, ngoài yếu tố môi trường, một số bằng chứng cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng gây hội chứng đau cơ xơ hóa.

Các nghiên cứu cho thấy stress là một yếu tố quan trọng trong quá trình khởi phát và tiến triển của bệnh. Hội chứng đau cơ xơ hóa gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở lứa tuổi 50-60, nữ nhiều hơn nam.

Theo nghiên cứu, đau xơ cơ ảnh hưởng đến khoảng 3-5% phụ nữ, độ tuổi từ 20-50, phổ biến ở người lớn hơn trẻ em, phụ nữ bị ảnh hưởng gấp 9 lần nam giới.

Khi bị đau cơ xơ hóa, bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức dữ dội ở các bắp thịt khắp cơ thể. Cơn đau lan tỏa toàn bộ cơ thể và không có giới hạn rõ ràng của vùng đau. Bệnh nhân có cảm giác đau sâu trong cơ, đau co thắt, đau như cắt hoặc đau rát bỏng ở một vùng gân, cơ hoặc tổ chức mềm quanh khớp. Cơn đau thường tăng vào buổi sáng và buổi tối. Những biểu hiện thường gặp, rõ ràng của bệnh đau cơ xơ hóa:

Đau nhức cơ bắp. Bệnh nhân gặp cơn đau nhức cơ bắp, đặc biệt là sâu bên trong các nhóm cơ hoạt động nhiều nhất như các cơ bắp ở chân, xương chậu, vai và cánh tay.

Nóng rát. Bệnh nhân có thể cảm giác nóng dữ dội tại các cơ bắp bị đau.

Kiệt sức. Cơn đau khiến cánh tay và chân như bị đè nặng bởi những khối bê tông, vì vậy khiến cơ thể mệt mỏi đến kiệt sức, gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.

Mất ngủ. Cảm giác khó chịu hay đau đớn khiến bạn tỉnh táo hoặc bị đánh thức và rất khó đi vào giấc ngủ khiến bạn thức dậy sớm với cảm giác chếnh choáng và mệt mỏi.

Nhạy cảm với các kích thích. Bạn có thể rất nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh mạnh.

Phiền muộn. Nỗi buồn không có nguyên nhân rõ ràng, mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày, lo lắng, cảm giác tội lỗi, vô dụng, thậm chí bi quan và tuyệt vọng.

Thay đổi da. Làn da nổi đốm, sưng, hoặc có mụn đỏ ngứa tương tự như tổ ong.

Đổ mồ hôi bất thường. Bạn có thể đổ mồ hôi bất thường, hay đổ mồ hôi ở khu vực khác thường.

Sương mù não. Một tình trạng gây khó tập trung trong công việc, có cảm giác kém sáng tạo và làm giảm hưng phấn của con người. Mật độ sương mù tương ứng với mức độ đau đớn. 

Cứng khớp. Bạn có thể cảm nhận được độ cứng ở các khớp đặc biệt vào buổi sáng.

Nhức đầu. Đau đầu hoặc đau nửa đầu tái phát thường gặp 50-70% số người bị đau xơ cơ. Các triệu chứng có thể nặng, có thể xảy ra 1-2 lần mỗi tuần, và có thể kèm theo chứng đau nửa đầu.

Vấn đề cân bằng. Khó khăn trong việc cân bằng gây ảnh hưởng đến đi lại và làm tăng nguy cơ té ngã.

Rối loạn tiêu hóa. Một tỷ lệ lớn các bệnh đau xơ cơ có vấn đề về đường ruột, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đầy bụng, hội chứng ruột kích thích, buồn nôn, trào ngược axit, hoặc chậm tiêu hóa.