- 6 dấu ấn điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2019
- Alicia Vikander dự Liên hoan phim quốc tế Tokyo
- Phim Việt "Chàng dâng cá, nàng ăn hoa" công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo
|
“Mekong 2030” có phim ngắn của đạo diễn Phạm Ngọc Lân chiếu tại TIFF 2020 |
“Dòng sông không nhìn thấy” (Mekong 2030)
Phim của đạo diễn giàu kinh nghiệm làm phim ngắn Phạm Ngọc Lân nằm trong tuyển tập 5 phim hợp tác quốc tế “Sông Mekong 2030” - một dự án khởi thủy từ Liên hoan phim Luang Prabang (Lào), quy tụ 5 tác phẩm của 5 đạo diễn Đông Nam Á gồm: Phạm Ngọc Lân (Việt Nam), Sotho Kulikar (Campuchia, với phim “Soul River”), Anysay Keola (Lào, phim “The Che Brother”), Sai Naw Kham (Myanmar, phim “The Forgotten Voices of the Mekong”) và Anocha Suwichakornpong (Thái Lan, phim “The Line”).
Họ phối hợp kể 5 câu chuyện khác nhau với 5 phong cách sáng tạo văn hóa khác nhau về dòng sông Mekong chảy qua 6 quốc gia và cộng đồng những người sinh sống dọc theo nó. Qua đó, các nhà làm phim phản ánh sự thay đổi của dòng sông khi chịu sự tác động từ con người, cũng như lo lắng về nạn ô nhiễm môi trường. Dự án phim được trình chiếu dưới dạng tuyển tập (Anthology) nhằm truyền cảm hứng cho khán giả có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên sống quý giá này, tối ưu và bền vững trong hiện tại và tương lai. Bởi theo Ủy ban sông Mekong (MRC), dòng sông đang bị đe dọa ngày càng lớn do ô nhiễm và hàng loạt đập thủy điện.
“Dòng sông không nhìn thấy” (The unseen river) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân dài 23 phút, với các diễn viên: NSND Minh Châu, Hà Phong, Hoàng Hà, bộ đôi Naomi - Wean và nghệ sĩ Mạc Can. Phim vừa nhận giải thưởng Lừa vàng (Asino d’Oro) cho phim hay nhất tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Concorto (Ý) cuối tháng 8-2020. Đạo diễn Phạm Ngọc Lân khai thác hình ảnh ẩn dụ của sông Mekong thông qua các câu chuyện “du hành thời gian” đan xen nhau.
Đó là hành trình của một phụ nữ lớn tuổi tên Nguyện đi ngược dòng sông để tìm người yêu từ hơn 30 năm trước. Trong khi đó, một chàng trai tên Thực bị chứng mất ngủ cùng cô tình nhân trẻ đi xuôi dòng sông tìm gặp một nhà sư chữa bệnh. Nếu người đàn bà tìm về quá khứ thì đôi bạn trẻ lại hướng đến tương lai và sự thiếu ngủ của họ chính là thể hiện nỗi trống vắng ước mơ. “Dòng sông tốt bụng tha thứ cho con và những người mắc lỗi, cũng như giấc ngủ tha thứ cho chủ nhân của nó” là câu thoại ấn tượng do nhà sư (nghệ sĩ Mạc Can đóng) nói trong phim.
|
“Đến và Đi” (Come and Go)
Trong số 25 phim lần đầu công chiếu tại TIFF 2020 có 10 phim Nhật Bản và bộ phim “Đến và Đi” do Lim Kah Wai (người Nhật gốc Malaysia) biên kịch và làm đạo diễn nằm trong số này. Lấy đề tài điều tra một vụ án mạng xảy ra ở khu chung cư, nơi có nhiều người nước ngoài đến Nhật Bản tạm trú và mưu sinh ở Osaka, “Đến và Đi” phản ánh nhiều nhân vật với câu chuyện cuộc sống khác nhau.
Từ cô gái nông thôn lên sống ở thị thành (Usamaru Manami đóng) đến ông lão cô độc (Katsura Jakujaku đóng); từ công dân nhập cư Nepal (Mousam Gurung đóng) đến nữ sinh Myanmar (Nang Tracy đóng); từ người xuất khẩu lao động đến từ Việt Nam (do Liên Bỉnh Phát) đóng đến khách du lịch đến từ Hàn Quốc (Lee Kwang Soo đóng); từ người đàn ông Đài Loan (Lý Khang Sing đóng) đến doanh nhân Malaysia (tài tử JC Chee đóng)…
Các nhân vật đa dạng, đa sắc tộc và ngôn ngữ cho thấy Nhật Bản là một xã hội đang có nhiều người ngoại quốc tìm cách hòa nhập với cuộc sống và con người bản xứ. Họ phải bươn chải, lao động và giải quyết những rắc rối, thử thách nơi cuộc sống thường ngày tại xứ sở mặt trời mọc. Diễn viên Liên Bỉnh Phát được đạo diễn Lim Kah Wai mời đóng phim “Đến và Đi” nhờ danh tiếng từ giải thưởng Viên ngọc quý Tokyo mà anh nhận được tại TIFF 2018 (với vai diễn Dũng Thiên lôi trong phim “Song Lang”).
Liên Bỉnh Phát cho biết: “Tôi rất nhớ những ngày đóng phim “Đến và Đi” ở Nhật Bản bởi lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thật sự của hoa anh đào nở. Do từ Việt Nam tôi đã trao đổi trước với đạo diễn Lim nên khi sang Nhật tôi cũng đỡ bỡ ngỡ. Môi trường làm việc tốt, các diễn viên cũng được đoàn phim chăm sóc, hỗ trợ chu đáo. Tôi cũng nỗ lực vượt qua khó khăn về khác biệt ngôn ngữ khi các nhân vật trong phim nói chuyện với nhau”.
Tuy nhiên, Liên Bỉnh Phát cũng bày tỏ tiếc nuối khi vì dịch Covid-19 mà anh không thể sang Nhật lần thứ ba để dự khán khi “Đến và Đi” công chiếu tại TIFF. Nhưng bù lại, anh tin rằng mình đã hoàn thành tốt vai diễn hình ảnh người Việt trong một bộ phim “đa quốc tịch” như vậy.
|
“Chúng tôi tổ chức TIFF 2020 vì chúng tôi muốn khuyến khích mọi người trở lại các rạp chiếu màn hình lớn để xem những bộ phim tuyệt vời, nhắc nhở họ về niềm vui và cảm xúc xem phim tại rạp bên cạnh những khán giả khác”.
Ông Ando Hiroyasu, Chủ tịch LHP quốc tế Tokyo
|
LHP quốc tế Tokyo lần thứ 33 (Tokyo International Film Festival - TIFF 2020, diễn ra từ ngày 31-10 đến 9-11) được thực hiện với nỗ lực lớn từ các nhà tổ chức trong hoàn cảnh Nhật Bản đang áp dụng phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt tại các điểm chiếu phim. Khác với những năm trước, TIFF năm nay không có ban giám khảo và chỉ có giải thưởng “Audience Award” do Ban tổ chức và khán giả xem phim bình chọn. Ông Ando Hiroyasu - Chủ tịch TIFF chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều trải qua rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Trên khắp thế giới, các liên hoan phim đều gặp hoàn cảnh tương tự. Chúng tôi đã tranh luận rất lâu về việc có nên tổ chức TIFF năm nay hay không khi các nguồn tài trợ sụt giảm đáng kể và khách quốc tế không thể đến Nhật Bản. Vì chúng tôi không thể mời khách từ khắp nơi trên thế giới đến Tokyo, thay vào đó chúng tôi đã thu thập tin nhắn, video từ họ và tổ chức các buổi giao lưu online. TIFF 2020 tăng cường hợp tác với toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh ở Nhật Bản; tiếp tục thể hiện tình đoàn kết quốc tế với các liên hoan phim như Cannes, Venice, Thượng Hải và Berlin. Cùng với Japan Foundation Asia Center, chúng tôi cũng tìm kiếm hướng đi và các sáng kiến mới cho nền điện ảnh tương lai ở Nhật Bản và châu Á sau thời Covid-19”.
Diễn viên kỳ cựu Koji Yakusho (Đại sứ của TIFF 2020) cho rằng, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng “TIFF vẫn tiếp tục phát triển và trình chiếu những tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao”. Một loạt các cuộc trò chuyện trực tuyến giữa các nhà làm phim từ Nhật Bản và châu Á được gọi là “Chuỗi hội thoại Asia Lounge” có sự tham gia của các nhà làm phim Apichatpong Weerasethakul, Giả Chương Kha (Jia Zhangke) và Kiyoshi Kurosawa, do đạo diễn kỳ cựu Hirokazu Kore-eda - người giành giải Cành cọ Vàng với bộ phim “Kẻ trộm siêu thị” (Shoplifters) tại LHP Cannes 2018, cầm trịch.