Đạo diễn phim “Tướng về hưu” qua đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi, đạo diễn của các bộ phim nổi tiếng như "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Tướng về hưu"... vừa qua đời vào lúc 7h30 ngày 2/8 do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi.

Những năm cuối đời, NSND Nguyễn Khắc Lợi có cuộc sống bình yên bên con cháu. Ông ở cùng gia đình vợ chồng con trai.

Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Lợi sinh năm 1932 ở Phú Thọ, là đạo diễn nhiều thước phim tài liệu tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong sự nghiệp, ông làm không quá nhiều phim nhưng tác phẩm đều để lại dấu ấn với khán giả. Nổi bật nhất là "Tướng về hưu", chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Đạo diễn phim "Tướng về hưu"

Đạo diễn phim "Tướng về hưu"

Phim nói về ông Thuấn - vị tướng cả đời phục vụ cách mạng, có nhiều chiến công lẫy lừng. Thế nhưng, khi trở về cuộc sống đời thường, ông lại lạc lõng với gia đình của mình và xã hội đang chuyển mình theo nền kinh tế thị trường. Nghệ sĩ Mạnh Linh đóng ông Thuấn còn nghệ sĩ Hoàng Cúc vào vai Thủy - cô con dâu sắc sảo của ông. Tác phẩm đoạt giải Bông Sen Bạc (không có giải vàng) trong Liên hoan phim Việt Nam 1990.

Một trong những bộ phim lớn cuối cùng của ông là "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", do Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam và Hãng phim Châu Giang của Trung Quốc hợp tác sản xuất năm 2002. Phim quay ở Trung Quốc trong ba tháng, diễn viên Trần Lực đóng chính. Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt tại Cánh diều 2003, và Liên hoan phim Việt Nam 2004. Diễn viên Trần Lực đoạt giải Mai Vàng 2004 cho nam chính phim điện ảnh, truyền hình.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi

Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi

Ngoài ra, NSND Khắc Lợi còn có các phim nổi tiếng khác như "Hai bà mẹ", "Miền đất không cô đơn", "Tiếng cồng định mệnh"...

Ông đã đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn của Việt Nam tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội như: Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Đỗ Thanh Hải....

NSND Nguyễn Khắc Lợi từng nêu quan điểm: "Nếu muốn tồn tại được với nghề cần đam mê, chịu khó và chịu khổ".