Đằng sau cái nhất... bất thường của bóng đá Indonesia

ANTD.VN - Thử hình dung, nếu bỏ đi dàn sao 12 cầu thủ Hà Lan nhập tịch, đội tuyển Indonesia còn lại những gì, ngoài số ít nội binh lên tuyển nhưng chủ yếu dự bị?!

Những cái nhất... bất thường

Theo thống kê của Transfermarkt, Indonesia đang sở hữu đội hình đắt giá nhất lịch sử Đông Nam Á, lên tới 25,63 triệu euro, gấp 3 lần giá trị tuyển Thái Lan và gần 4 lần tuyển Việt Nam (theo danh sách tập trung FIFA Days tháng 10-2024).

Indonesia có được vị trí này là nhờ vào giá trị của dàn cầu thủ Hà Lan nhập tịch đang chơi bóng tại châu Âu, châu Mỹ chiếm quá nửa đội hình, điển hình là hậu vệ Mees Hilgers (CLB Twente, giải VĐQG Hà Lan) đang có giá trị chuyển nhượng lên tới 10 triệu euro, bằng toàn bộ đội hình tuyển Việt Nam và tuyển Singapore cộng lại.

Indonesia ra sân vòng loại World Cup 2026 với 10/11 cầu thủ nhập tịch trong đội hình

Trong danh sách top 10 tuyển thủ đắt giá nhất Đông Nam Á, ngoài Mees Hilgers, Indonesia chiếm 6 vị trí cao nhất, 4 cái tên còn lại gồm 3 cầu thủ Thái Lan và 1 cầu thủ Philippines.

Thế nhưng ở một thống kê khác - top 10 CLB đắt giá nhất Đông Nam Á, Indonesia lại không có đại diện nào (Thái Lan 4, Việt Nam 3, Malaysia 2, Singapore 1).

Điều này là bất thường, bởi giải VĐQG Indonesia vẫn được xem là phát triển mạnh nhất Đông Nam Á (về bề rộng) với tổng cộng 18 CLB, trong khi Thái Lan là 16, Việt Nam 14, Malaysia 13, Singapore 9...

Vậy sự bất thường này do đâu?

Lệ thuộc vào dàn sao "đi mượn"

Thống kê từ khi tỉ phú, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia - Erick Thohir được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) hồi tháng 2-2023, chưa đầy 2 năm qua, đội tuyển Indonesia đã nhập tịch 12 cầu thủ gốc Hà Lan.

Đây là những cầu thủ được sinh ra, đào tạo và chơi bóng chuyên nghiệp tại châu Âu, không thể cạnh tranh suất đội tuyển ở nước sở nên chuyển hướng nhập tịch Indonesia để tìm kiếm cơ hội chơi bóng ở cấp đội tuyển quốc gia.

Nhờ dàn sao 12 cầu thủ gốc Hà Lan này (cộng với một số cầu thủ gốc Âu nhập tịch trước đó), Indonesia xếp nhất Đông Nam Á về giá trị đội hình.

Tỉ phú Erick Thohir nhập tịch 12 cầu thủ Hà Lan cho tuyển Indonesia, chỉ sau chưa đầy 2 năm nhậm chức Chủ tịch PSSI

Thế nhưng việc nhập tịch ồ ạt cùng sự lệ thuộc ngày một lớn vào các cầu thủ "đi mượn" khiến bóng đá Indonesia vấp phải chỉ trích từ chính "người nhà".

Giới chuyên gia, truyền thông cảnh báo PSSI đừng quá chạy theo "dàn sao đi mượn" mà quên đào tạo trẻ, phát triển giải quốc nội - thứ vốn được xem là cốt lõi của một nền bóng đá, làm nên sức mạnh, sự ổn định một đội tuyển.

Để so sánh, người ta dẫn hình ảnh đội hình xuất phát của đội tuyển Nhật Bản và Indonesia tại vòng loại thứ ba World Cup 2026, với cùng 10/11 cầu thủ đang thi đấu nước ngoài. Thế nhưng, một bên là 100% cầu thủ gốc Nhật đào tạo bài bản trong nước trước khi được các CLB nước ngoài ký hợp đồng, còn một bên 100% là cầu thủ được đào tạo ở châu Âu trước khi Indonesia "mượn về" thông qua hình thức nhập tịch.

Hình ảnh hai đội tuyển thoạt nhìn hình thức (số lượng cầu thủ đang thi đấu nước ngoài) là giống nhau nhưng lại đối lập hoàn toàn về bản chất, cho thấy sự phát triển vượt bậc của bóng đá Nhật Bản, cũng là lời cảnh báo với bóng đá Indonesia.

Thái Lan từng có chiến lược nhập tịch số lượng lớn cầu thủ, song sau khi nhìn thấy rủi ro đã thay đổi chính sách, nhập tịch hạn chế và chọn lọc.

Bóng đá Thái Lan tự hào với những cầu thủ "triệu đô" được sản sinh từ giải quốc nội

Đó là lý do người Thái luôn tự hào với những cầu thủ "triệu đô" do chính mình sản sinh ra như Chanathip, Supachok, Supachai..., dù chưa thể sánh bằng nhưng đang theo hướng đi của Nhật Bản - nền bóng đá số 1 châu Á.

Indonesia có thể đạt thành tích tạm thời với dàn cầu thủ nhập tịch, song cũng đối diện nguy cơ "bong bóng" bóng đá có thể "vỡ" bất cứ khi nào. Nhất là khi chính sách nhập tịch do Chủ tịch PSSI Erick Thohir theo đuổi có thể đình lại, sau khi tỉ phú này kết thúc nhiệm kỳ.

Thử hình dung, nếu bỏ đi dàn sao 12 cầu thủ Hà Lan nhập tịch, đội tuyển Indonesia còn lại những gì, ngoài một số ít nội binh lên tuyển nhưng chủ yếu dự bị?!