Đăng ký nhận nuôi con nuôi: Không bắt buộc nhưng nên tự nguyện

ANTĐ - Việc triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế có nhiều phức tạp, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Hành chính Tư pháp - Sở Tư pháp Hà Nội về một số vấn đề liên quan.

Làm thủ tục nhận con nuôi giúp đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên

(Ảnh minh họa)

- PV: Ông có thể cho biết thực trạng vấn đề nuôi con nuôi tại Hà Nội hiện nay?

- Ông Nguyễn Hoài Nam: Năm 2011 toàn thành phố có 91 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi trong đó có 41 trẻ nam, 50 trẻ nữ. Phần lớn trẻ được nhận nuôi là trẻ sơ sinh, bị bỏ rơi. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội có 22 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi (gồm 2 nam, và 10 nữ) với 12 cháu là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Qua công tác báo cáo, kiểm tra của các địa phương, hiện chúng tôi chưa phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào từ việc nhận và nuôi con nuôi.

- PV: Theo ông, khi triển khai Kế hoạch đăng ký nuôi con nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng đã gặp phải những khó khăn gì?

- Ông Nguyễn Hoài Nam: Dù Luật nuôi con nuôi có hiệu lực từ 1-1-2011 song để luật này đi vào cuộc sống, đơn vị thực hiện sẽ gặp phải không ít vướng mắc phát sinh. Một số trường hợp nhận con nuôi từ rất lâu, con nuôi đã trưởng thành song vì lý do nào đó, người nhận nuôi con nuôi không làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Điều này thường xảy ra đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi nên họ giấu không nói cho con và những người xung quanh biết. Tuy vậy, với những trường hợp này khi phát sinh tranh chấp về tài sản, thừa kế, cơ quan chức năng thường phải mất khá nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn trong việc xác định mối quan hệ giữa hai bên. Việc vận dụng các quy định cũ cũng gặp nhiều trở ngại do nhiều văn bản pháp luật đã không còn hiệu lực.

- PV: Việc đăng ký nhận nuôi con nuôi có phải là quy định bắt buộc? 

- Ông Nguyễn Hoài Nam: Do việc đăng ký nhận nuôi con nuôi nhằm bảo vệ quyền lợi ích pháp lý của bố mẹ nuôi và con nuôi, ngăn ngừa, hạn chế những tác động, tranh chấp phát sinh từ việc nuôi con nuôi, đồng thời  tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi nên pháp luật nghiêm cấm việc bắt buộc, cưỡng ép người dân phải đi đăng ký nếu  họ thực sự không có nhu cầu hoặc muốn giữ bí mật về đời tư. Việc làm này phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, bảo đảm giữ kín các thông tin cá nhân, trên tinh thần tự nguyện. Trong trường hợp cha mẹ nuôi, con nuôi chưa hoặc không có nguyện vọng đăng ký, UBND cấp xã cần cử cán bộ gặp gỡ, động viên và phân tích giúp cho họ hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc làm này, nhưng không được công bố hoặc công khai thông tin nuôi con nuôi của người dân, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và cuộc sống bình thường của họ.

- PV: Vậy theo ông, những biện pháp cần thiết để triển khai kế hoạch này là gì ?

- Ông Nguyễn Hoài Nam: Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, việc tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về nuôi con nuôi tới người dân là biện pháp quan trọng nhất. Nội dung tập trung vào mục đích, ý nghĩa cơ bản của việc đăng ký nuôi con nuôi (nhằm ngăn ngừa  những  tác động phát sinh từ việc nuôi con nuôi thực tế), thời hiệu đăng ký nuôi con nuôi: Chỉ được tiến hành trong thời hạn 5 năm (từ 1-1-2011/31-12-2015), nếu hết thời hạn này mà người nuôi con nuôi không đăng ký thì việc nuôi con nuôi thực tế sẽ không được pháp luật công nhận, các tranh chấp liên quan đến cha mẹ nuôi, con nuôi, giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi sẽ không được pháp luật bảo hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. 

Để triển khai Kế hoạch của thành phố, ngày 11-10, Sở Tư pháp đã có công văn số 2422 gửi UBND các quận, huyện thị xã đề nghị các đơn vị này chỉ đạo, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân các quy định của Luật Nuôi con nuôi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tiến hành rà soát, thống kê hướng dẫn lập hồ sơ và tổ chức đăng ký nuôi con nuôi cho người dân có yêu cầu và đủ điều kiện đồng thời thực hiện việc báo cáo, thống kê phù hợp với từng giai đoạn .

- PV: Thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi có phức tạp không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hoài Nam: Thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi khá đơn giản. Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi gồm các giấy tờ: Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011 của Bộ Tư pháp). Trong tờ khai ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế, có chữ ký ít nhất của 2 người làm chứng. Ngoài ra cần có Bản sao Giấy CMND và hộ khẩu của cha mẹ nuôi; Bản sao CMND hoặc Giấy khai sinh của con nuôi; Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ nuôi nếu có…

UBND cấp xã chỉ tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau phát sinh trước ngày 1-1-2011 nếu đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 50 của Luật nuôi con nuôi: Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;  Đến ngày 1-1-2011, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên đều còn sống; Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

- PV: Xin cảm ơn ông !