Đậm chất "ao làng"

ANTĐ - Việc nước chủ nhà của đại hội luôn tìm cách thâu tóm huy chương vẫn được xem như chuyện bình thường. Nhưng chưa bao giờ các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam lại phải chịu nhiều bất lợi như kỳ SEA Games tới.

Dự báo có rất nhiều khó khăn “đón đợi” đoàn TTVN tại SEA Games 26


Nhiều môn bị “bức tử”

Như một thông lệ, cứ đến mỗi kỳ đại hội là y như rằng nước chủ nhà tìm đủ mọi cách để hướng tới ngôi nhất toàn đoàn. Và “cách” hiệu quả nhất là loại bỏ môn thế mạnh đoàn khác và đưa thật nhiều môn thế mạnh của mình vào hệ thống thi đấu. Đương nhiên, những cường quốc thể thao khu vực như Thái Lan, Việt Nam… là đối tượng được “quan tâm” nhất. Sự thật là ngoài việc loại toàn bộ nội dung đồng đội môn bắn súng, nhiều nội dung tại các môn thể thao vốn là thế mạnh của đoàn Việt Nam như wushu, taekwondo, karatedo, vật, bi sắt… cũng bị nước chủ nhà cắt bỏ. Rồi đến lịch và địa điểm thi đấu liên tục bị xáo trộn. Đơn cử như ngay tại môn bóng đá nam, từ lùi lịch bốc thăm chia bảng đến thay đổi giờ thi đấu một số trận, trong khi nhiều môn như bắn súng, bơi lội, cờ vua, bóng chuyền bãi biển… vẫn chưa biết chính xác địa điểm thi đấu dù tất cả VĐV đều đã đăng ký vé máy bay. Và có thể sẽ còn nhiều thay đổi sau cuộc họp khẩn của đại diện 11 nước tham dự diễn ra vào ngay mai 28-10.

Bên cạnh đó, chủ nhà SEA Games 26 còn lần khân không công bố các thông tin liên quan đến môn thi đấu như việc giấu lộ trình, địa hình thi đấu môn đua xe đạp. Điển hình hơn tại môn leo tường, phía chủ nhà đưa ra 30 mẫu tường, song không nói sẽ chọn mẫu tường nào đưa vào thi đấu, khiến VĐV từng chinh phục nóc nhà thế giới như Bùi Xuân Ngợi cũng phải thốt lên: “Leo tường SEA Games còn khó hơn cả leo lên đỉnh Everest”. Ngoài ra, để thâu tóm huy chương đại hội, nước chủ nhà còn đưa vào nhiều môn mới, vốn là thế mạnh của mình như leo tường, đánh bài, dù lượn, lướt ván, patin, Tarung Drajat (môn võ truyền thống của Indonesia)… Theo ước tính, các môn thể thao giải trí trên sẽ góp thêm khoảng 30 HCV và dù đại hội chưa diễn ra nhưng với những “cố gắng” của mình, ngôi nhất toàn đoàn dự báo khó thoát khỏi tay nước chủ nhà.

Chủ làm khó khách

Chuyện nước chủ nhà và ý định thâu tóm huy chương ít nhiều có thể “cảm thông” khi bệnh thành tích vẫn còn nan giải tại thể thao vùng trũng. Song điều khó chấp nhận là Indonesia lại rất thiếu trách nhiệm trong công tác chuẩn bị. Từ việc thiếu một kế hoạch tỷ mỷ cho đến tiến độ các công trình, hạng mục phục vụ thi đấu trì trệ, hậu quả là lịch, địa điểm thi đấu nhiều môn liên tục bị xáo trộn. Một yếu tố khác gây bức xúc cho các đoàn tham dự là các cơ sở vật chất vừa thiếu lại vừa yếu. Và việc chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu chỗ ở (số còn lại phải tự lo nơi ăn ở), trong tình trạng 6 người chung nhau một phòng vệ sinh là ví dụ.

Mới đây sau hàng loạt những chỉ trích về công tác chuẩn bị đại hội không kịp tiến độ, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia, Andi Mallarangeng khẳng định: “Mọi vướng mắc trong công tác chuẩn bị đã được giải quyết, việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ thi đấu đang diễn ra đúng tiến độ và sẽ hoàn tất vào cuối tháng 10”. Trong khi đó thì từ nhiều ngày qua, báo chí Indonesia liên tục đăng tải các bài viết e ngại về khả năng hoàn thành tiến độ của các công trình phục vụ SEA Games. Bên cạnh đó, tờ Jakartaglobe còn phanh phui vụ gian lận của chủ nhà thầu Duta Graha tại gói thầu xây dựng làng VĐV tại Palembang - một trong 2 địa điểm chính diễn ra SEA Games 26. Cũng theo tờ báo này, nhiều hạng mục đã bị ăn bớt và không đạt chất lượng như cam kết ban đầu.

Rõ ràng nhìn vào sự chuẩn bị của chủ nhà Indonesia, các đoàn tham dự, trong đó có Việt Nam không khỏi lo lắng: SEA Games 26 sẽ là kỳ đại hội khó khăn nhất của TTVN kể từ khi hội nhập đấu trường khu vực.