Đại dịch Covid-19 có thể khiến Zalo, Lotus… thay thế các nền tảng của thế giới?

ANTD.VN - Việt Nam đang sở hữu rất nhiều nền tảng số, được kỳ vọng sẽ thay thế các nền tảng của thế giới, ví dụ như: Zalo, Lotus, Mocha… song thực tế triển khai lại không mấy khả quan.

Các nền tảng số của Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với nền tảng của thế giới

Nhận định về khả năng thay thế các nền tảng tương tự của thế giới của nền tảng số nổi bật mới đây của các doanh nghiệp Việt Nam như: Zalo, Lotus… Thạc sĩ Bùi Hà Linh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách- VEPR) cho rằng: “Tình hình không mấy khả quan”. Bà Bùi Hà Linh nêu vấn đề: Vậy Việt Nam có tiềm năng xây dựng các nền tảng số “Made in Vietnam” hay không hay không”?

Về vấn đề này, ông Đỗ Hoài Nam- Chủ tịch Hội đồng Quản trị UPGEN đánh giá, nền tảng số là rất cần thiết. “Tuy nhiên Việt Nam chỉ cần xây dựng những nền tảng số phục vụ riêng cho sản xuất kinh tế. Những nền tảng phục vụ giải trí, xã hội thì nên sử dụng những cái đã có của thế giới”- ông Đỗ Hoài Nam nói.

Theo ông Trịnh Minh Giang- Chủ tịch Venture Management Consulting Group, các nền tảng đều nên có và các quốc gia đều có cơ hội sáng tạo ra nền tảng mới. Việt Nam là đất nước có dân số đông và do yếu tố thiết yếu hiện nay nên các nền tảng số là điều rất cần thiết.

“Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy, các nhóm khởi nghiệp (start- up) mới hiện nay có ít sự sáng tạo nên khó có thể cạnh tranh với các nền tảng khác trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội trong thị trường này rất lớn. Các nền tảng số có thể đưa Việt Nam ra thế giới mà không gặp bất kì rào cản nào. Đây là cơ hội lớn và chúng ta cần có sự chủ động để tiếp cận với đối tác, khách hàng”- ông Trịnh Minh Giang nói.

Cũng theo ông Trịnh Minh Giang, các nhà khởi nghiệp có thể phát triển được là nhờ vào môi trường. Nếu Nhà nước đưa ra được các chính sách dài hạn thích hợp giúp đỡ các start- up thì họ có thể thực sự thành công.

Ngoài ra, các chuyên gia về kinh tế số cũng cho rằng, Chính phủ nên đưa ra các chính sách tạo ra các sân chơi công bằng và môi trường cạnh tranh thích hợp để phát huy tính sang tạo, tự chủ của các nhà khởi nghiệp. Về phía doanh nghiệp, khi lên ý tưởng phải có mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu của xã hội, từ đó đưa ra các công nghệ phù hợp để xây dựng nền tảng số.

Theo các chuyên gia, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng được cho là trụ cột của xã hội tương lai. Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do đại dịch Covid-19 và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, nhưng một số các nền tảng số như: Amazon, eBay, Alibaba… không chỉ chống chọi tốt với bất ổn của thị trường mà còn có xu hướng phát triển nhanh và mạnh.

Một số nghiên cứu cho rằng tổ chức kinh doanh trên các nền tảng số hoặc khởi nghiệp trên các mô hình số sẽ là giải pháp cứu nguy cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong cuộc chiến chưa biết đến hồi kết với đại dịch Covid-19. Đồng thời, cấu trúc nền kinh tế thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi sau đại dịch.

Tại Việt Nam, Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain&Company năm 2019 cho thấy, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kinh tế nền tảng chiếm vai trò quan trọng.

“Đại dịch Covid là thời điểm để các chủ thể của nền kinh tế nhận ra vai trò của kinh tế số và sự cần thiết của các nền tảng. Đây có thể là động lực để tạo nên bước ngoặt lớn cho Việt Nam hoặc sẽ là niềm nuối tiếc lớn nếu chúng ta bỏ lỡ. Một số nền tảng của người Việt đang manh nha hình thành, nhưng sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt vì nhiều nền tảng nước ngoài đã có chi phí cận biên gần như bằng không và đang dần xác lập hiệu ứng mạng độc quyền”- một vị chuyên gia nói.