“Đại chiến Xích Bích”: Bức tranh sử thi hoành tráng

(ANTĐ) - “Đại chiến Xích Bích” - bộ phim sử thi hoành tráng với kinh phí khổng lồ 80 triệu USD. Đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Ngô Vũ Sâm đã nuôi ý tưởng tái hiện một trong những trận chiến đẫm máu nhất lịch sử trong suốt 20 năm với mười mấy lần thay đổi kịch bản và phải mất tới 5 năm để hoàn thành bộ phim này. 

“Đại chiến Xích Bích”: Bức tranh sử thi hoành tráng

(ANTĐ) - “Đại chiến Xích Bích” - bộ phim sử thi hoành tráng với kinh phí khổng lồ 80 triệu USD. Đạo diễn người Mỹ gốc Hoa Ngô Vũ Sâm đã nuôi ý tưởng tái hiện một trong những trận chiến đẫm máu nhất lịch sử trong suốt 20 năm với mười mấy lần thay đổi kịch bản và phải mất tới 5 năm để hoàn thành bộ phim này. 

Hoành tráng!

Bộ phim chia ra làm 2 phần do thời lượng quá dài (hơn 4 tiếng). Phần một của bộ phim đang được công chiếu tại các rạp Việt Nam, còn phần hai sẽ ra mắt khán giả vào đầu năm 2009.

Chi tiết chính - trận thủy chiến trên sông Dương Tử nằm hầu hết ở phần hai. Mặc dù vậy tác giả vẫn kịp cống hiến cho khán giả hai trận đánh ác liệt tại dốc Trường Bản - nơi Triệu Tử Long đơn thương độc mã phá vòng vây cứu ấu chúa và trận Bát quái của Gia Cát Lượng.

Với sự trợ giúp của kỹ xảo vi tính, tính chất ác liệt của chiến tranh được đạo diễn khắc họa sống động. Với những góc máy rộng, toàn cảnh cuộc chiến đã được thu vào trong khuôn hình: hàng nghìn quân Tào mắc kế “nghi binh” của Tôn Thượng Hương mà lọt vào Bát quái trận thiên biến vạn hóa của Gia cát Lượng, sau vỡ trận mà chịu thua, hai nghìn chiến thuyền cùng 80 vạn quân dưới sự chỉ huy của Tào Tháo phô trương thanh thế trên dòng Dương Tử… và không thiếu những cảnh đầu rơi máu chảy, chém giết đẫm máu.

Những  Chu Du, Triệu Tử Long, Quan Vân Trường, Trương Phi, Cam Ninh tung hoành giữa vòng vây quân địch tái hiện chân dung những vị dũng tướng có thật trong lịch sử.

Bên cạnh đó còn phải kể đến sự thành công của âm thanh, âm nhạc tạo nên không khí bi tráng, hào hùng trong suốt bộ phim, cùng với những pha biểu diễn võ thuật đặc sắc trong những cảnh giao chiến ác liệt giữa hai bên.

Đặc biệt đạo diễn đã dày công dàn dựng Bát quái trận của Gia Cát Lượng trên màn ảnh, khiến nó trở thành trường đoạn quan trọng và hoành tráng nhất của phần một.

Tuy vậy, nhân vật như Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi vẫn chỉ được dừng lại ở việc miêu tả bằng hình ảnh mà chưa được khắc họa sâu về tính cách. Trong khi đó một vài trường đoạn “tình cảm” giữa Chu Du và hiền thê Tiểu Kiều khiến nhịp độ dồn dập của bộ phim có phần bị loãng và hơi dài dòng.

Xích Bích “made in Ngô Vũ Sâm”

Tuy vậy, xem “Xích Bích” vẫn có nhiều khán giả nhà không hài lòng, cũng có khán giả rời rạp chiếu khi bộ phim chưa kết thúc. Thậm chí nhiều người còn chỉ trích đạo diễn đã tự ý thay đổi nguyên tác.

Có lẽ đó là những khán giả yêu thích bộ truyện “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, có lẽ họ cảm thấy lạ lẫm với bộ phim điện ảnh lần này vì nó không giống như tiểu thuyết.

Nhưng trên thực tế bộ phim không hề dựa vào bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Mặc dù dàn diễn viên ngôi sao của đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã gây ra rất nhiều hoài nghi nhưng không thể phủ nhận đã tạo nên sự mới mẻ cho những nhân vật lịch sử đã quá nổi tiếng.

Gia Cát Lượng trẻ trung, túc trí đa mưu, giản dị mà hóm hỉnh; đại đô đốc Chu Du là người chính trực, văn võ song toàn, hoàn toàn khác với Chu Du nhỏ nhen, hay ghen tỵ của nhà văn La Quán Trung; Tôn Quyền tuổi trẻ chí lớn, quận chúa Tôn Thượng Hương xinh đẹp nhưng mạnh mẽ không thua các trang nam tử; ngay đến đại gian hùng Tào Tháo độc ác không từ thủ đoạn nào cũng được miêu tả là một kẻ si tình và có… khiếu hài hước.

Tác giả còn đề cập tới nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến, ngoài mục đích tranh giành quyền lực còn là để Tào Tháo thực hiện mưu đồ riêng, giành lấy nàng Tiểu Kiều - ái thiếp của Chu Du. Suy cho cùng, trận chiến khiến hàng vạn người phải bỏ mạng cũng chỉ vì một mỹ nhân.

Người Trung Quốc quả không hổ danh là chuyên gia trong lĩnh vực phim lịch sử. Những cuộc giao tranh ác liệt, sự hy sinh đổ máu của hàng ngàn người, cuộc đấu trí giữa anh hùng và gian hùng, sự tranh giành quyền lực… đã tạo nên toàn cảnh một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử đất nước Trung Hoa cổ đại.

“Đại chiến Xích Bích” chưa đi đến hồi kết nhưng những gì khán giả được thưởng thức trên màn ảnh đã chứng tỏ sự nỗ lực và tâm huyết của những người làm phim, đặc biệt là đạo diễn Ngô Vũ Sâm trong suốt 20 năm ấp ủ kịch bản. Xem phim Tàu lại ngẫm đến ta.

Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim hoành tráng, cũng không có đủ tiền bạc cũng như nhân lực. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có quyền mơ ước và hy vọng rằng rồi sẽ có một Lý Thường Kiệt của trận Như Nguyệt hay Ngô Quyền của trận Bạch Đằng… lên phim hoành tráng và oanh liệt hơn thế!          

Châu Giang