Đặc sản của mùa thu Hà Nội

ANTD.VN -  Tiết trời đẹp như thế này nếu không ra đường thì quả là lãng phí, ra đường để thưởng thức những món ngon ngoài phố. Mà thật hay, cứ độ thu về thì ẩm thực lại thêm phần nhộn nhịp vì chẳng thiếu các món ăn hấp dẫn chờ người thưởng thức.

Hương vị của mùa thu

Hà Nội đã vào thu được vài tuần rồi, nhưng phải tới những ngày đầu tháng 10 mới cảm nhận đúng cái tiết thu “đặc sản” Thủ đô. Trời thì se lạnh, ra đường khoác thêm một chiếc áo mỏng cho đúng vị, thêm cả cái nắng đương độ hanh vàng, trông thì chói chang thế thôi nhưng lại khiến lòng người dịu lại. Tiết trời đẹp như thế này nếu không ra đường thì quả là lãng phí. Ra đường để hưởng khí trời mát mẻ, để ngắm những hàng cây vô tình trổ lộc xanh trái mùa. Chúng mơn mởn sau bão bằng cách nào đó và vẫn vươn mình, đẹp một cách khác lạ so với mọi năm giữa nắng thu hanh hao này.

Ngày hè nóng nực, người ta chỉ mong kiếm những món đồ giải khát, thậm chí có nhiều lúc còn… chán chẳng buồn ăn bất cứ thứ gì. Nhưng khi thu tới, tiết trời dịu lại, không còn nóng mà rét cũng đang ở một đoạn khá gần phía trước, lòng người trở nên nhộn nhạo hơn, thèm ăn hơn.

Thu Hà Nội mà không nhắc tới cốm thì có lỗi quá. Những hạt cốm non xanh tựa màu mạ non, chúng dẻo dẻo, thoang thoảng hương thơm đồng nội. Cốm thì ăn chơi cũng được, ăn thành món như xôi hoặc chè cũng khoái, nhất là vừa ăn ngoài phố vừa ngắm người qua lại thì còn gì bằng. Tiết trời mát mẻ thành ra lại dễ ăn, dễ thưởng thức khá nhiều loại quà bánh đường phố như quẩy nóng, bánh rán, xôi chè... Những ngày này, rươi cũng đã bắt đầu vào mùa. Chả rươi thì quá hợp ấy chứ, thậm chí kiếm một tô bún ốc nóng hay nguội cũng là quá chiều lòng người.

Món ngon Hà Nội thì chỉ kể thôi cũng khó mà liệt kê ra được hết. Chúng giản dị ở giá thành, chỉ cần vài chục nghìn là có một món, thậm chí vài món ngon để thưởng thức. Rẻ không có nghĩa là dở mà ngược lại, có những món còn được liệt vào danh sách không thể không thưởng thức khi tới Hà Nội bởi chúng đã trở thành một phần đặc trưng của ẩm thực nơi đây rồi. Một nền ẩm thực dễ gần, dễ chinh phục thực khách, tuy giản dị nhưng lại rất ngon và tinh tế.

Những món quà Hà Nội

Tất nhiên phải là cốm, bởi nếu chưa có cốm chắc người ta vẫn còn ngóng đợi mùa thu thêm chút nữa. Những năm gần đây “trend” lên phố uống trà, uống cà phê vào một sáng mùa thu chắc chắn không quên gọi thêm nắm cốm tươi hoặc xôi cốm để kịp “check-in” với mùa thu Hà Nội. Cốm non thì bùi, dẻo, thơm thơm, ăn cùng với trái chuối tiêu chín vàng thì đúng kiểu Hà Nội. Xôi cốm thì khác hơn chút, chúng thơm hơn, dẻo hơn bởi có hạt sen, dừa tươi và chút cốt dừa. Nhâm nhi các món đó bên cạnh ly cà phê nóng hổi thì lại quá hợp tiết trời.

Những ngày đầu tháng 9 Âm lịch, khi gió heo may về cũng là lúc bắt đầu mùa rươi - một thứ đặc sản không bắt nguồn từ Hà Nội, nhưng chính người Hà Nội lại khéo léo sáng tạo, chế biến để tạo nên một món ăn nổi tiếng. Những con rươi béo sẽ được trộn cùng với thịt băm, trứng, hành, rau thơm và vài lát vỏ quýt hôi. Chiên chả rươi thành từng miếng cỡ lòng bàn tay, chả giòn vàng bên ngoài, bên trong có vị béo ngậy của thịt, của rươi, chấm nước chấm chua ngọt rất hợp. Chả rươi có phần đắt đỏ hơn so với những món ngon bình dân khác bởi con rươi hiếm và mùa khai thác khá ngắn ngủi.

Vào giữa thu chúng ta sẽ thấy những hàng bánh rán nhộn nhịp hơn. Loại bánh này vốn bán quanh năm, nhưng bánh rán nóng thì phải ăn lúc tiết trời se lạnh mới chuẩn vị. Bánh rán thì có vị mặn và ngọt, nhưng loại bánh rán rất hợp với tiết trời thu là bánh rán đường và bánh rán mật. Bánh rán đường sau khi chiên sẽ được ngào với một lớp đường trắng bên ngoài. Còn bánh rán mật thì sẽ được phủ bằng mật mía nên có màu nâu đậm hơn. Ăn bánh rán khi còn nóng, kèm thêm chén trà thì đúng là chuẩn vị.

Xôi chè và bánh trôi tàu cũng là hai món khá được yêu thích vào những ngày đông. Nhưng những năm gần đây người ta thích ăn sớm hơn chút, và quả là tiết trời mùa thu ăn cũng rất hợp.

Xôi chè bà cốt vốn là một món ăn chơi vào lúc xế chiều khi tiết trời dịu mát. Bát xôi chè nóng hổi thơm vị gừng, thoang thoảng vị đường mật và dẻo của nếp, đúng là cảm nhận thu Hà Nội thật thi vị. Chè bà cốt thường là ăn chung với xôi vò, kiểu món ăn 2 trong 1. Chè thì được làm từ nếp cái hoa vàng nấu lên gần như cháo, nhưng không được quá đặc mà vẫn phải thấy được từng hạt nếp gợn lên. Món này nấu chung với đường đã được thắng màu nâu cánh gián, gừng thái sợi, khi thêm phần xôi vò vào trộn đều ăn chung thì vừa vị.

Bánh trôi nóng cũng là một trong những món gần với xôi chè, thậm chí có thể được bán chung một hàng. Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân có thể là đậu xanh, vừng đen, dừa sợi… ăn chung với nước đường gừng nóng, thêm chút lạc rang giã dập, rất hợp tiết trời mát mẻ.

Bún ốc, nghe thì có vẻ gợi ý này không hợp lý lắm bởi bún ốc bán quanh năm, ăn khi nào chẳng được. Nhưng nhiều người không biết, cứ độ tháng 9, tháng 10 Âm lịch là lúc ốc ngon và béo nhất, làm món gì cũng dễ đưa miệng, đặc biệt khi bún ốc vốn là món khá đặc trưng của người Hà Nội. Có hai kiểu ăn bún ốc, đó là bún ốc nguội và bún ốc nóng, và đều được chế biến tương tự bún riêu. Đối với bún ốc nguội nhà văn Vũ Bằng từng ví von: “Đó là thứ quà đạt tới được cái đích nghệ thuật ăn ngon của người Hà Nội”. Những con ốc vặn, ốc mít béo căng được luộc chín tới rồi khêu ra để ăn chung với bún lá, chấm bằng nước dùng được làm từ chính nước luộc ốc hòa với giấm bỗng đã gia giảm cho vừa vị, thêm chút ớt chưng nữa cho chuẩn. Vị ngọt giòn tự nhiên của ốc, thêm độ chua thanh của nước chấm, món này ăn mát nhẹ mà lại ngon. Bún ốc nguội thường sẽ thấy người ta ăn nhiều vào mùa hè, tuy nhiên những ngày thu không còn quá nóng và cũng chẳng phải là lạnh, ăn chúng cũng rất hợp.

Những năm gần đây, bún ốc nóng không còn chỉ có riêng ốc, người ta thêm vị của riêu, của giò, của tóp mỡ, thậm chí là cả trứng vịt lộn… Tuy là biến tấu đi rất nhiều so với bún ốc nguyên bản, nhưng đó cũng là những lựa chọn của giới trẻ ưa thích ăn kiểu “topping” ngày nay.

Trời thu của Hà Nội có một chút se lạnh, một chút nắng vàng, thêm chút gió mùa hanh hao khiến cho lòng người như được chiều chuộng bởi rất nhiều những món ăn hấp dẫn, những món “đặc sản” mà chỉ khi vào thu mới thấy được vị của nó sao mà hợp, mà ngon đến vậy.