Đã nắm được bí mật, Israel sẽ hủy diệt S-300 của Syria ngay khi Nga bàn giao?

ANTD.VN - Sau vụ tập kích bằng tên lửa hành trình vào trong lãnh thổ Syria do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành hôm 14/4, Nga cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Damascus.  

Theo đánh giá, S-300 là hệ thống tên lửa phòng không tối tân và sở hữu nhiều tính năng vượt trội so với các tổ hợp khác mà Syria đang biên chế. 

Điểm nổi trội nhất của S-300 nằm ở tầm xa của tên lửa đánh chặn lên tới 150 - 200 km với độ cơ động cao hơn hẳn người tiền nhiệm S-200 vốn bị đánh giá là chậm chạp dù tầm bắn xa không kém.

Trong một thời gian dài, Syria đã tìm cách mua các hệ thống tên lửa S-300 từ Nga, thậm chí Iran sẵn sàng tài trợ cho thỏa thuận này nhưng không thành công do Israel và Mỹ gây áp lực lên Nga.

Nhưng nay với diễn biến mới thì triển vọng để Damascus được nắm trong tay thứ vũ khí với tính năng rất cao này trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết.

Nhưng thật bất ngờ khi Israel đánh giá rằng bây giờ nếu Syria có S-300 thì cũng không còn gây cho họ sự lo ngại như trước nữa. Lý do là bởi hiện nay hệ thống phòng không này đã ít nhiều trở nên lạc hậu.

Tờ Ynet News của Israel bình luận, S-300 đã được Nga bán sang hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới. Các thành phần công nghệ, cũng như tần số hoạt động của nó không còn nhiều tính bí mật.

Ngoài ra S-300 có kích thước lớn và rất cồng kềnh, không dễ ngụy trang để tung đòn bí mật. Mặc dù Nga đã nâng cấp S-300 vài lần trong những năm gần đây nhưng nó không còn được xem là một mối đe dọa “không thể vượt qua được” như 10 năm về trước.

Ynet News còn tuyên bố rằng Mỹ đã nắm được nhiều tính năng của hệ thống này và Israel cũng vậy. Điều này cho phép các quốc gia trên đưa ra được phương án phá vỡ và vô hiệu hóa năng lực của S-300.

Mặc dù tuyên bố rắn như trên nhưng theo nhận xét của giới quan sát thì S-300 vẫn sẽ khiến lực lượng không quân Israel không thể hoạt động thoải mái như thời gian qua.

Khi Syria chính thức nắm S-300 trong tay sẽ đòi hỏi Israel phải đề ra những biện pháp đề phòng và ngăn chặn mà trước nay họ hầu như không cần phải triển khai.

Chính vì vậy mà đã có nhận định cho rằng Không quân Do Thái sẽ lên kế hoạch tập kích và tiêu diệt ngay lập tức hệ thống này khi phòng không Syria vừa tiếp nhận.

Trong quá khứ, Israel từng làm điều tương tự đối với hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P của Syria, khi nhà kho chứa tên lửa Yakhont bị không kích phá hủy ngay khi vừa tiếp nhận.

Điều này còn có thể gây tác động tới Nga, khiến kế hoạch cung cấp S-300 cho Syria bị trở ngại vì Moskva không muốn vũ khí của mình bị mất uy tín trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, giá thành của một tổ hợp S-300 là rất cao, Nga khó mà cung cấp miễn phí hay theo dạng "mua chịu" được, và kể cả khi Iran tài trợ kinh phí thì Syria cũng khó mà nhận được biến thể S-300 đời mới.

Ngay lúc này, Israel hẳn đã chuẩn bị sẵn các phương án tác chiến để sẵn sàng mang ra thực địa khi Syria nhận được tổ hợp phòng không tầm xa này trong tương lai.

Trình độ tác chiến của Không quân Do Thái theo đánh giá là vượt trội so với Syria, cần lưu ý rằng trong tay họ còn nhiều vũ khí chưa sử dụng đến, ví dụ như tiêm kích tàng hình F-35I.