Ba trụ cột yếu nhất của nền kinh tế: đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước là ba mũi đột phá trong Chương trình tái cấu trúc kinh tế được thiết kế bởi các nhà hoạch định chính sách sau khi đã tham vấn các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ. Muốn biết quá trình tái cấu trúc có thực sự hiệu quả hay không, không thể thiếu các chỉ tiêu “đo lường”. Hiện nay, Chính phủ đang “nợ” Quốc hội con số tổng chi phí cho quá trình tái cấu trúc với lý do con số này là khó “đong đếm”. Dẫu vậy, theo một ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, không phải quá khó để làm rõ cần phải huy động nguồn lực kinh phí là bao nhiêu.
Quá trình tái cơ cấu sẽ tốn kém ở các khoản như chính sách ưu đãi, miễn, giảm, khuyến khích đầu tư để kích thích tái cấu trúc; khoản kinh phí nhà nước có thể bỏ ra hỗ trợ trong việc mua bán nợ, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Khoản cuối cùng để dành hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị thu hẹp trong khi tái cấu trúc, dẫn đến gây khó khăn trong công ăn, việc làm của người lao động. Quan trọng hơn cả, theo vị ủy viên Ủy ban, cần phải có những tiêu chí để đo lường hiệu quả tái cấu trúc. Chẳng hạn, việc hai tập đoàn nhà nước lớn: Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị; Tập đoàn Công nghiệp xây dựng được yêu cầu chấm dứt thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước là bằng chứng sinh động của tiến trình tái cấu trúc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt câu hỏi: Vì sao lại dừng, đạt được hiệu quả hay không đạt được gì? Rõ ràng cần phải có báo cáo tổng kết mô hình này, bởi vì hiện tại khu vực kinh tế này đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Đơn cử, PetroVietnam “kêu trời”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang nợ họ lên tới 14.000 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản chỉ chuyên khai thác than để bán thu ngoại tệ cũng luôn kêu lỗ to, mặc dù được giảm thuế xuất khẩu xuống còn 10%. Tổng số nợ xấu của khu vực doanh nghiệp “con đẻ” của Nhà nước đã lên tới hơn 200.000 tỷ đồng. Thế mà gánh nặng nợ xấu ít có giải pháp và hành động xử lý. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã không ít lần họp bàn với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước mà vẫn chưa đưa ra được kết quả. Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế bày tỏ lo ngại: “Các ngân hàng thương mại có tiền nhưng không thể cho vay được vì nợ xấu tăng cao. Như vậy, vấn đề của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam khác so với châu Âu và Tây Ban Nha. Ở đó, họ không có tiền mà cho vay. Còn ở Việt Nam có tiền mà không dám cho vay”.
Nhận định những dấu hiệu khởi đầu lộ trình tái cấu trúc kinh tế, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những cải cách được tiến hành đến nay là quá ít ỏi và chưa rõ hiệu quả. Mặc dù không thể sốt ruột, nôn nóng, song như lời cảnh báo của một số chuyên gia thế giới, mô hình phát triển, tăng trưởng của Việt Nam “đã đi tới giới hạn”, cần phải đẩy nhanh, mạnh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế.