Đã đến lúc cần thay đổi quy định 5K trong phòng chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhóm biện pháp phòng dịch "5K" (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) được Bộ Y tế đề ra từ tháng 8-2020 và đã phát huy hiệu quả rất lớn. Song đến thời điểm hiện tại, khi nhiều hoạt động kinh doanh, văn hóa đã trở lại bình thường thì một số "K" dường như không còn phù hợp.

Trong thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát mạnh, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, buộc người dân nghiêm túc tuân thủ "5K", cơ quan chức năng đã ban hành các chế tài xử phạt đối với các cá nhân vi phạm như:

Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng; không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc bị phạt tiền tối đa đến 3 triệu đồng.

Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng.

Người nào che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh COVID-19 của bản thân, hoặc của người khác mắc bệnh COVID-19 bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người, hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức.

Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế... có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 BLHS 2015 trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác…

Tuy vậy, từ 15-3, Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế, các hoạt động kinh doanh, văn hóa trong nước cũng đã trở lại bình thường. Tại Hà Nội, phố đi bộ đã hoạt động trở lại, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không phải đóng cửa trước 21h hay rạp chiếu phim sẽ không còn hạn chế số người.

Điều này đồng nghĩa với việc một số quy định trong "5K" như khoảng cách, tụ tập hay khai báo y tế sẽ không còn phù hợp nữa bởi việc đi xem biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao, đi du lịch theo đoàn khó có thể giữ được “khoảng cách” - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Khi phố đi bộ tại Hà Nội cùng nhiều điểm du lịch đã mở cửa trở lại, thì việc áp dụng "5K" cần được điều chỉnh cho phù hợp

Khi phố đi bộ tại Hà Nội cùng nhiều điểm du lịch đã mở cửa trở lại, thì việc áp dụng "5K" cần được điều chỉnh cho phù hợp

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thực tế cho thấy tại phố đi bộ thuộc quận Hoàn Kiếm, dù công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến vui chơi tại phố đi bộ Hà Nội vẫn được đặt lên hàng đầu song do lượng du khách đổ về rất đông, nên việc thực hiện tiêu chí "5K" về giữ khoảng cách... gần như khó có thể thực hiện được.

Ngoài ra, yêu cầu về khai báo y tế hiện không còn phù hợp, cần bãi bỏ do người dân khó biết được mình có tiếp xúc F0 thời điểm nào và ngành Y tế cũng không còn thực hiện truy vết, khoanh vùng nữa.

Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn nên việc xử phạt đối với các trường hợp không thực hiện "5K" như không đeo khẩu trang hay tụ tập đông người, không khai báo y tế mỗi nơi thực hiện một kiểu dẫn đến sự thiếu thống nhất gây bức xúc trong dư luận - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Do đó, đã đến lúc cần áp dụng "5K" một cách linh hoạt. Nghĩa là tùy từng địa phương, từng đơn vị, từng lĩnh vực có thể áp dụng "K" nào một cách chủ đạo, hợp lý, các "K" hỗ trợ cho nhau và cần được áp dụng tối đa có thể.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và áp dụng linh hoạt khi thực hiện "5K", tùy từng lúc, tùy nơi, xác định nguyên tắc nào là ưu tiên và nguyên tắc nào bổ trợ. Trong thời điểm hiện tại, việc thay đổi các biện pháp phòng chống dịch mang tính chất y tế công cộng là cần thiết.

Bộ Y tế và các ban, ngành liên quan cần kiểm tra và có sự tổng kết đánh giá xem "K" nào cần tiếp tục thực hiện, "K" nào áp dụng linh hoạt để hướng dẫn người dân một cách thống nhất, hiệu quả, tránh tình trạng cùng một hành vi mà nơi phạt, nơi không, nơi bắt buộc, nơi khuyến khích - Luật sư Hồng Vân đề xuất.