Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và dấu ấn ngoại giao của nước Mỹ

ANTD.VN -  Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vừa qua đời hôm 29/11 ở tuổi 100. Ông được nhiều người coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong quan hệ quốc tế thế kỷ 20. Nhưng sự nghiệp của ông cũng gặp không ít chỉ trích.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut ngày 29/11 (sáng 30/11 theo giờ Việt Nam), thọ 100 tuổi.

Tuyên bố không nêu nguyên nhân ông Henry Kissinger qua đời.

Trước đó ông Henry Kissinger vẫn tham gia nhiều hoạt động ngay cả khi đã 100 tuổi, như chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7/2023 để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Henry Kissinger có tên là Heinz Alfred Kissinger khi sinh ra ở Furth, Đức ngày 27/5/1923 và chuyển đến Mỹ cùng gia đình năm 1938, trước khi Đức Quốc xã tàn sát người Do Thái ở châu Âu.

Ông đổi tên thành Henry Kissinger, nhập quốc tịch Mỹ năm 1943, phục vụ trong quân đội ở châu Âu thời kỳ Thế chiến II.

Sau đó ông Henry Kissinger vào Đại học Harvard nhờ học bổng, lấy bằng thạc sĩ năm 1952 và bằng tiến sĩ năm 1954 rồi làm giảng viên tại trường Harvard 17 năm sau đó.

Ông Henry Kissinger từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ tháng 1/1969 đến tháng 11/1975 và làm ngoại trưởng từ tháng 9/1973 đến tháng 1/1977, dưới hai đời tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford.

Trong thời kỳ này, Henry Kissinger bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, tuy sau đó nhận thấy rằng đây là cuộc chiến sẽ không đem lại thắng lợi cho Mỹ.

Ông Henry Kissinger từng tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Sau những màn "đấu trí" căng thẳng với Cố vấn Lê Đức Thọ của Việt Nam, Kissinger và chính quyền Nixon chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973..

Giải Nobel Hòa bình năm 1973 được Ủy ban Nobel trao cho ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger, trở thành một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử Nobel Hòa bình kể từ khi ra đời năm 1895. Ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải thưởng vì cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam và "người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam".

Dù được công nhận là người có tầm ảnh hưởng, ông Henry Kissinger lại có sự nghiệp gây ra nhiều tranh cãi, ngay cả trong lòng nước Mỹ.
Một số tiếng nói chỉ trích cho rằng cách tiếp cận các vấn đề quốc tế của ông Henry Kissinger đôi lúc bỏ qua những cân nhắc về mặt đạo đức.
Với chính sách "ngoại giao thực dụng", Henry Kissinger đã để lại một số dấu ấn nổi bật trong đường lối đối ngoại của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ông đã thúc đẩy đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Liên Xô, giúp giảm căng thẳng giữa hai siêu cường hạt nhân.
Ông Henry Kissinger cũng thu xếp chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Liên Xô năm 1972. Trong chuyến thăm, hai nước đã ký hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (SALT I) và các hiệp định cơ bản khác.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ông là người tiên phong mở các kênh đàm phán bí mật giữa Washington và Bắc Kinh vào đầu những năm 1970, dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước.

Sau dó là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972.
Chính sách của Henry Kissinger với Liên Xô và Trung Quốc được coi là đã góp phần tái định hình hướng đi của Chiến tranh Lạnh, giúp giảm căng thẳng giữa các cường quốc.
Vai trò của Henry Kissinger đối với chính sách đối ngoại của Mỹ suy yếu sau khi Nixon từ chức vào năm 1974.

Tuy nhiên, ông vẫn duy trì sức ảnh hưởng dưới thời Tổng thống Gerald Ford và đưa ra nhiều quan điểm trong những năm sau đó.

Ông cũng là người ủng hộ việc mở rộng NATO về phía đông, điều đã tạo ra căng thẳng ngày càng tăng với Nga.
Sau khi được mời làm cố vấn cho chính phủ Mỹ sau vụ khủng bố 11/9/2001, Herry Kissinger đã ủng hộ mở chiến dịch quân sự tấn công Iraq năm 2003, điều được coi là một những sai lầm chiến lược lớn trong lịch sử nước Mỹ.
Tổng thống Gerald Ford gọi Kissinger là "siêu ngoại trưởng" nhưng cũng lưu ý đến tính nóng nảy và tự tin thái quá của ông, điều mà các nhà phê bình thường gọi là "hoang tưởng và tự cao tự đại".
Một số ý kiến chỉ trích gay gắt bao gồm tác gia Christopher Hitchens, đã cáo buộc ông Kissinger đã bỏ qua luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của nhiều quốc gia.
Các hành động của ông Kissinger còn bị cho là làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong quá trình ra quyết sách đối ngoại của Mỹ.
Những năm cuối đời, ông Henry Kissinger vẫn cố tìm hiểu thế giới. Nhưng cây bút Hirsh cho rằng thật trớ trêu khi ông Kissinger - từng bị cáo buộc bỏ qua cân nhắc về đạo đức trong sự nghiệp - lại tỏ ra lo sợ trước sự mất mát của yếu tố con người.
Trong loạt bài viết mà cao trào là Thời đại AI ("The Age of AI"), cuốn sách năm 2021 mà ông Kissinger đồng tác giả đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc rằng mọi thứ đang đi sai hướng.
Nỗi lo của ông Kissinger nằm ở chỗ quan niệm coi lý trí con người là ưu việt có thể đang bị lật đổ vì sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo.
Ông Henry Kissinger có 2 đời vợ, 2 người con và 5 người cháu.