- Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bị truy tố vì nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng
- Xét xử cựu Chủ tịch Nhà xuất bản giáo dục và các bị cáo liên quan
- Người đàn bà “dính” án Việt Á giúp sức đắc lực cho cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục
Theo cáo buộc, từ năm 2017 - 2021, bị cáo Nguyễn Đức Thái (Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật của NXB Giáo dục Việt Nam) đã trao đổi, thỏa thuận, thống nhất với bị cáo Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng) để tạo điều kiện cho các công ty của Ngọc trúng 13 gói thầu, gói mua sắm giấy in trị giá 2.156 tỷ đồng.
Từ năm 2017 - 2020, bị cáo Thái cũng thỏa thuận với bị cáo Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty Minh Cường Phát) để doanh nghiệp này trúng 5 gói thầu, gói mua sắm cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục trị giá 209 tỷ đồng.
|
Phiên xử cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái và 7 bị cáo liên quan do Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa. |
Trong thời gian trên, bị cáo Thái đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu; tạo điều kiện đưa Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát vào danh sách các nhà thầu được nhận yêu cầu báo giá và hồ sơ yêu cầu đối với các gói mua sắm.
Sau khi Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được trúng thầu, Thái nhận từ bị cáo Ngọc hơn 20 tỷ đồng và nhận từ bị cáo Minh 4,9 tỷ đồng. Hành vi của cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị cáo buộc tội “Nhận hối lộ”.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Thái khai, khi nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân, bị cáo đã làm đơn tự thú. Khi ấy, cơ quan công an chưa phát hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Thái còn khai bản thân có đơn tố giác tội phạm từ đó giúp cơ quan chức năng phát hiện đường dây sách lậu, sách giả lớn nhất từ trước đến này liên quan Cao Thị Minh Thuận. Ngoài ra, Thái còn có đơn trình báo về trường hợp mạo danh người có chức vụ lừa đảo và cơ quan chức năng sau đó đã khởi tố vụ án.
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục trình bày, bản thân sức khỏe yếu, nhiều bệnh như: tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao và mới đây phải cấp cứu vì giảm tiểu cầu. Bị cáo Thái đã khắc phục 25 tỷ đồng. Gia đình bị cáo có công với cách mạng, bố bị cáo tham gia 2 cuộc kháng chiến…
Trình bày về bối cảnh phạm tội, bị cáo Thái khai việc áp dụng phương thức chào hàng cạnh tranh là do hoàn cảnh NXB Giáo dục lúc đó phải đảm bảo in bộ SGK mới từ lớp 1-12 cho năm học 2018-2019.
|
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa. |
Lúc đó, Ban chỉ đạo lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư, tham mưu của các cán bộ lâu năm cũng tham mưu, việc mua vật tư thường xuyên cho sản xuất thì không phải đấu thầu. Nếu bây giờ xây dựng quy chế rồi thảo luận, thông qua các thành viên HĐTV thì không kịp tiến độ. Do đó, Ban chỉ đạo và các cán bộ lâu năm tham mưu chào hàng cạnh tranh.
Trần tình trước tòa, bị cáo Thái nói khi ấy không biết việc đó là sai phạm, chỉ mong muốn có nhiều công việc và chỉ tập trung để làm sao hoàn thành nhiệm vụ chính trị của NXB. Chính vì thế mà bị cáo cùng những người liên quan quyết định lựa chọn phương thức chào hàng cạnh tranh.
Cũng theo lời khai của bị cáo Thái, năm 2017, ông ta được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT động viên về nhận nhiệm vụ ở NXB. Thời điểm đó, nội bộ NXB Giáo dục hết sức phức tạp, người tiền nhiệm nghỉ hưu sớm… Trong bối cảnh đó, Thái đã tạo điều kiện cho các công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát vì có lịch sử cung cấp giấy nhiều năm và thị trường giá bột giấy đang tăng, cần in sớm để tiết kiệm chi phí.
Thực tế, giá bột giấy sang năm 2018 tăng kỷ lục 30%. Kết quả, năm 2018-2019 NXB Giáo dục đã phát hành hơn 100 triệu bản SGK bộ mới với giá bán vẫn giữ nguyên như trước và còn thấp hơn giá bộ sách xã hội hóa 11%.
Đại diện Công ty Phùng Vĩnh Hưng cũng khai, nguồn gốc giấy cung cấp cho NXB Giáo dục có hơn 80% nhập khẩu từ Nhật Bản, có chất lượng vượt trội, nổi bật về độ nhẵn, độ bóng. Doanh nghiệp còn giao hàng đến nhà máy in thay vì giao hàng tại kho, giúp NXB tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng.
Việc trúng thầu là dựa trên uy tín chất lượng sản phẩm và giá thành thấp. Doanh nghiệp còn cung cấp giấy cho nhiều đối tác lớn khác, NXB Giáo dục chỉ chiếm 10-18% số lượng hàng công ty xuất ra thị trường.
Liên quan số tiền 19 tỷ đồng bà Tô Mỹ Châu nộp khắc phục cho bị cáo Tô Mỹ Ngọc (xin xét xử vắng mặt), đại diện bà Châu cho biết, bị cáo Ngọc và bà Châu có nguyện vọng dùng 9 tỷ, trong đó 6,5 tỷ đồng nộp khắc phục hậu quả vụ án và 3 tỷ đồng còn lại tự nguyện sung công quỹ. Gần 10 tỷ đồng còn lại, do bị cáo Ngọc sức khỏe yếu, phải nuôi 2 con và bố mẹ già nên xin nhận lại để sinh sống, chữa bệnh.