- Cựu Bí thư và Chủ tịch Bắc Ninh bị đề nghị truy tố khung hình phạt lên đến tử hình
- Cựu Chủ tịch Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh nhận quà sinh nhật 1 tỷ đồng
- Bắt tạm giam cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh
Tại kết luận điều tra vụ án “Đưa – nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Bắc Ninh, Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ, nhóm Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) do Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch và nhóm Công ty Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng trúng 6 gói thầu sai quy định.
Hành vi sai phạm của các bị can bắt đầu khi tỉnh Bắc Ninh xây 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện nhưng chưa có vốn để lắp đặt thiết bị. Năm 2013, biết việc này nên ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Công ty Sông Hồng (mất năm 2021) gặp Trần Văn Tuynh - cựu Giám đốc Ban quản lý Dự án Công trình xây dựng Y tế tỉnh (Ban Quản lý).
Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Nhân Chiến. |
Ông Phong khẳng định bản thân “có nhiều mối quan hệ thân thiết” nên sẽ xin được vốn bổ sung từ Chính phủ cho 6 bệnh viện huyện nhưng đổi lại, lãnh đạo tỉnh phải cho phía công ty của ông Phong tham gia, trúng thầu cả 6 dự án.
Để xin được nguồn vốn từ Trung ương, ông Phong sẽ phải đi chi phí ngoại giao tổng số tiền khoảng 10 tỷ đồng, tương ứng 8% tổng giá trị thực tế thanh toán trước thuế của các gói thầu theo các dự án đã được phê duyệt.
Số tiền trên gồm “chi phí ngoại giao” cho các lãnh đạo tỉnh khoảng 4 tỷ đồng; chi % ngoài hợp đồng cho Tuynh và các lãnh đạo liên quan khoảng 6 tỷ đồng. Công việc cụ thể do bị can Lã Tuấn Hưng - Phó giám đốc Công ty Sông Hồng thực hiện.
Khoảng một tháng sau, Lã Tuấn Hưng cùng Trần Văn Tuynh và Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hạnh Chung (sau là Tỉnh Ủy viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh) gặp nhau.
Cả ba sau đó lên phòng của bị can Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh (sau là Bí thư Tỉnh ủy) để báo cáo, xin chỉ đạo về việc Công ty Sông Hồng sẽ “đứng ra quan hệ với lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương xin cấp nguồn vốn, kinh phí bổ sung” nhưng phải cho doanh nghiệp này trúng thầu.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Tử Quỳnh. |
Bị can Chiến đồng ý và chỉ đạo sang báo cáo lại Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (sau là Chủ tịch tỉnh) vì thời điểm này, bị can Quỳnh được giao phụ trách lĩnh vực y tế, giáo dục...
Tại phòng làm việc của bị can Quỳnh, nhóm Tuynh và Chung tiếp tục báo cáo nội dung trên. Vị Phó chủ tịch tỉnh lúc đó đồng ý, chỉ đạo: “Về làm các thủ tục để trình UBND tỉnh, để Quỳnh hoặc Chiến ký”. Thực tế, bị can Quỳnh sau đó ký văn bản gửi Trung ương, xin vốn bổ sung cho 6 bệnh viện huyện tại Bắc Ninh.
Ở một diễn biến song song, từ Công ty AIC, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (quê Bắc Ninh) cũng gọi điện cho Tuynh đặt vấn đề sẽ: “Tác động lên các bộ, ban, ngành Trung ương để xin phê duyệt nguồn vốn bổ sung cho các dự án về y tế tại Bắc Ninh”. Đổi lại, Công ty AIC phải được tham gia và trúng thầu 6 gói dự án bệnh viện huyện.
Tuynh biết bị can Nhàn có quan hệ với các lãnh đạo tỉnh và Trung ương nên đề nghị người phụ nữ xin ý kiến lãnh đạo tỉnh đồng thời báo việc “có cạnh tranh” cho phía Công ty Sông Hồng.
Chủ tịch Công ty AIC - Nguyễn Thị Thanh Nhàn (hiện vẫn bỏ trốn). |
Phía Công ty Sông Hồng đưa ra phương án: “Để tránh va chạm thì sẽ thực hiện 3 gói và chia lại cho Công ty AIC thực hiện 3 gói”. Bị can Tuynh báo lại việc này cho Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hạnh Chung và được đồng ý.
Tháng 1-2014, Chỉnh phủ quyết định bổ sung vốn về Bắc Ninh với 850 tỷ đồng cho 6 dự án bệnh viện đa khoa tuyến huyện.
Bị can Tuynh lên gặp Nguyễn Tiến Nhường (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh) báo cáo việc các bị can Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh đã đồng ý để Công ty AIC và Công ty Sông Hồng, mỗi bên trúng 3 gói thầu. Tuynh cũng đề nghị bị can Nhường sớm phê duyệt các thủ tục triển khai đầu tư, mua sắm.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục hành chính, nhóm Tuynh và Chung bàn bạc, thống nhất ưu tiên cho nhóm Công ty Sông Hồng thực hiện trước 3 gói thầu tại 3 bệnh viện huyện: Tiên Du, Quế Võ và Yên Phong (phía bắc sông Đuống).
Khoảng một tháng sau, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu và nhóm Công ty AIC sẽ trúng thầu, thực hiện tiếp 3 gói thầu còn lại tại các bệnh viện huyện: Lương Tài, Thuận Thành và Gia Bình (phía Nam sông Đuống).
Lý do để nhóm Công ty Sông Hồng trúng thầu trước vì họ biết Nguyễn Thị Thanh Nhàn có “mối quan hệ rất thân thiết” với các lãnh đạo tỉnh và Trung ương nên: “Để Công ty AIC thực hiện trước thì các thiết bị tại các bệnh viện sẽ bị phụ thuộc, chịu sự áp đặt về giá, thông số kỹ thuật, chất lượng hàng hóa của Công ty AIC, có thể thay đổi thiết bị ảnh hưởng đến danh mục cần đầu tư mua sắm theo nhu cầu của các Bệnh viện đã được Sở Y tế phê duyệt”.
Khi được báo cáo việc trên, bị can Nguyễn Tử Quỳnh đồng ý phân chia cho nhóm Công ty Sông Hồng và Công ty AIC, mỗi bên thực hiện 3 gói thầu. Bị can Quỳnh còn nói: “Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là ưu tiên những đơn vị đã hỗ trợ xin cấp vốn cho tỉnh; sẽ được tạo điều kiện cho trúng thầu, tham gia thực hiện các gói thầu đã xin được cấp vốn”.
Mọi việc theo đúng kế hoạch “chia chác” nói trên. Nhóm Sông Hồng trúng thầu tại 3 bệnh viện huyện với tổng trị giá 126,292 tỷ đồng và nhóm AIC trúng tại 3 bệnh viện còn lại, tổng trị giá 126,167 tỷ đồng. Kết quả điều tra cho thấy, quá trình đấu thầu tại Bắc Ninh đã xảy ra những vi phạm pháp luật, gây thiệt hại 48 tỷ đồng.
Công ty Sông Hồng và Công ty AIC sau đó còn hối lộ cho 4 “nhân vật” quan trọng là Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Trần Văn Tuynh và Nguyễn Hạnh Chung. Bị can Nguyễn Tiến Nhường cũng được “tặng quà” 750 triệu đồng nhưng được xác định không phạm tội nhận hối lộ. Hành vi của bị can Nhường là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố tội “Đưa hối lộ” nhưng vẫn đang bỏ trốn và đang bị truy nã. Trước đó, Chủ tịch AIC bị xét xử vắng mặt và bị tuyên phạt mức án tổng hợp 30 năm tù trong các vụ vi phạm đấu thầu tại Đồng Nai, Quảng Ninh, TP.HCM.