Cuối năm, vốn có nhưng khó vay

ANTĐ - “Thừa vốn, thiếu hàng, thiếu tiền” là tình trạng phổ biến của các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam hiện tại mà Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính, ngân hàng (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng - NHNN) nhận định. Từ nay đến cuối năm 2012, tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó đối với doanh nghiệp.

Tăng trưởng dựa vào vốn vay, doanh nghiệp gặp khó

Khó khăn chồng chất

Khái quát về tình hình kinh doanh hiện tại, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thể thao Động Lực xót xa: “Chúng tôi sản xuất kinh doanh lĩnh vực này đã 25 năm, nhưng chưa bao giờ lâm vào cảnh bi đát như hiện tại, hàng xuất khẩu của chúng tôi về số 0. Vài trăm công nhân đã phải nghỉ việc”. Nguyên nhân là do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ yếu dùng vốn vay nhưng lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao và biến động nhanh, mỗi tháng cho vay một kiểu. Ở một số quốc gia khác trên thế giới, như Trung Quốc, lãi suất cho vay ổn định ở mức 4-5,5%/năm. Ngân hàng nào cho vay tới mức 12%/năm thì lãnh đạo bị xử lý ngay, bởi đó là hoạt động cho vay nặng lãi. Nhưng tại Việt Nam, mức lãi suất các doanh nghiệp vay hiện tại ở mức 13-15%/năm. “Lãi suất phải dưới 10% thì đầu tư mới ổn định được. Tình trạng lũng đoạn thị trường tài chính hiện nay phải dẹp hết. Nếu không làm sạch hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ “chết” thêm hàng loạt nữa” - ông Thành nói.

Cùng chung nỗi bức xúc này, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng, Chính phủ, ngân hàng trung ương có rất nhiều chính sách, giải pháp nhưng thực tế lại chưa cải thiện được tình hình. Ví dụ, từ năm 2009, lãi suất được hỗ trợ 4% nhưng các năm sau, kinh tế vĩ mô bất ổn nhưng chính sách mới nằm trên giấy, chưa đi vào cuộc sống. Theo ông Lý, doanh nghiệp hiện tại không cần vay tiền bởi thị trường đóng băng, hàng hóa không tiêu thụ được và lãi suất cao. “Có nguyên nhân do khách quan đưa đến, do mặt bằng giá cả thế giới tăng nhưng cũng có những nguyên nhân nội tại. Về lý thuyết là ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chúng ta lại thường có hoạt động làm cho nó bất ổn. Bây giờ là lúc nên bàn cho kế hoạch năm 2013 chứ không chỉ cho 3 tháng cuối năm và bàn cách thực hiện chứ không bàn chính sách” - ông Lý nhấn mạnh. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động đầu tiên. Ông Lại Văn Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Doanh nghiệp đang cần vốn, ngân hàng thừa vốn, nhưng hai bên không gặp được nhau. Doanh nghiệp nhỏ chúng tôi có dự án chỉ cần vay vài tỷ đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng nhưng không vay được”!

Chia lỗ với doanh nghiệp

Tại cuộc tọa đàm “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Toàn đánh giá: “Chủ đề tọa đàm rất hay, nhưng thông tin thu lượm được lại không nhiều”. Đồng tình với quan điểm này, ông Lý thẳng thắn: “Các diễn giả mất nhiều ngày để viết tham luận, nhưng đến đây đọc chẳng để lại nhiều ấn tượng, quá nhiều giải pháp cũ”!

Nhìn nhận về thị trường tài chính, tiền tệ hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cho rằng, tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giẫm chân tại chỗ, chứng tỏ vốn vẫn dùng vào việc đảo nợ và “chạy lòng vòng” trong thị trường tài chính. Một số doanh nghiệp làm ăn chân chính muốn vay tiền thì không vay được nhưng có những “công ty con” của cổ đông ngân hàng lại vay được hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, sức mua của xã hội đã giảm đến mức độ khủng khiếp. Tiền trong ngân hàng nhiều, nhưng trong xã hội không có tiền lưu thông. Trong khi đó, trên thị trường có khoảng 10% hàng giả, bán với mức giá thấp hơn 30% so với hàng chính hiệu. Theo ông Lai, cần thực hiện đồng loạt các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: doanh nghiệp cần mở rộng thị trường, “buôn có bạn, bán có phường” thông qua các hiệp hội. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách kích cầu cụ thể như: tăng lương, giảm thuế VAT (thuế gián tiếp đánh trực tiếp vào sức mua của người dân), chi ngân sách để thanh toán cho các ngân hàng, mở kho mua tạm trữ hàng hóa… Bên cạnh đó là sự vào cuộc của hiệp hội ngân hàng, thành lập các công ty mua bán nợ tốt, dẹp các doanh nghiệp “sân sau” của ngân hàng… Có như vậy mới giải quyết được tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” hiện nay.

Theo ông Đoàn Trọng Lý, ngân hàng đôi khi cần chia lỗ với doanh nghiệp. Ông Lý cảnh báo nguy cơ: “Với ngành chăn nuôi của chúng tôi, nếu ngân hàng không hỗ trợ thì người chăn nuôi sẽ bỏ chuồng. Hiện tại, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi từ 42.000-45.000 đồng, nhưng bán ra với giá 40.000 đồng/kg. Nếu người nuôi bỏ chuồng, cuối năm nay, giá lợn hơi sẽ lên mức 100.000 đồng/kg”.

Đồng tình với các ý kiến trên, thạc sĩ Lê Văn Hinh - chuyên gia tài chính, ngân hàng đề xuất, doanh nghiệp cần thực hiện tiết kiệm và thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên vốn vay sang chiều sâu. Có như vậy mới từng bước đẩy lùi khó khăn.