Nhiều doanh nghiệp vẫn đảm bảo tốt việc làm cho người lao động
Nơi vừa làm vừa nghỉ
Anh Tân - công nhân công ty điện tử H (khu công nghiệp Quang Minh) cho biết: “Năm nay chúng tôi ít phải làm thêm giờ. Mặc dù sản phẩm điện tử của công ty vẫn xuất khẩu được nhưng cũng chậm hơn mọi năm. Có tháng, tôi không phải làm tăng ca buổi nào”. Chị Thắm - công nhân khu công nghiệp Quang Minh chia sẻ: “Nhiều công ty ngành may mặc, điện tử, điện lạnh trong khu công nghiệp Quang Minh đã đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Một số công ty thì cắt giảm lao động. Vậy nên không có chuyện làm thêm giờ như những năm trước”.
Chị Tâm - công nhân khu công nghiệp Hòa Phát cho biết: “Từ gần 1 năm nay, công nhân may trong khu công nghiệp chúng tôi tăng ca ít hơn. Chỉ từ 1,5-2 giờ/ngày”. Theo chị Tâm, công ty nơi chị làm việc thường bắt đầu ca sáng lúc 7h30 và kết thúc thời gian hành chính lúc 16h30. Công nhân làm thêm từ cuối giờ chiều đến khoảng 18h hàng ngày. Mức thu nhập trung bình của công nhân ngành may mặc tại đây khoảng 4 triệu đồng/tháng. Những năm trước, thời gian tăng ca nhiều hơn, công nhân có mức thu nhập cao hơn. Chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi Mỹ, Trung Quốc... công ty này vẫn phải huy động cả phân xưởng làm thêm giờ. Tuy nhiên, tại khu công nghiệp Hòa Phát, một số công ty may ít việc hơn, thời gian làm thêm giờ không nhiều, và cũng chỉ một số lao động làm thêm.
Theo quy định của Luật Lao động, người lao động không được làm thêm quá 4 giờ/ngày và quá 200 giờ/năm để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, với thực trạng làm thêm ít trong khi lương cơ bản còn thấp thì việc công nhân không có việc làm thêm hoặc thời gian làm thêm không bằng nửa thời gian quy định tối đa cũng gây khó khăn cho cuộc sống. “Năm nay chúng tôi không bận rộn như những năm trước, được nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng cũng đáng lo vì thu nhập giảm. Thời gian hành chính đã “cứng” nên dù không làm thêm ở công ty, hết giờ chúng tôi cũng khó làm thêm ở nơi khác để kiếm sống”- chị Tâm chia sẻ.
Nơi làm không ngơi tay
Trái ngược với tình trạng ảm đạm này, ghi nhận tại khu công nghiệp Quang Minh cho thấy, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, đồ nội thất vẫn có việc đều đặn. Công nhân được tự nguyện tăng ca theo nhu cầu và trong giới hạn quy định của Luật Lao động. Nhờ vậy, tâm lý người lao động khá ổn định. Theo ông Nguyễn Duy Đức - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất, thời điểm này, công nhân của công ty này vẫn rất bận rộn chuẩn bị cho mùa tiêu thụ sản phẩm năm sau. “Phải làm từ bây giờ, chất hàng đầy các kho thì khoảng tháng 4 sang năm mới đủ hàng cho khoảng 70 xe đến nhập hàng/ngày”. Mức lương công nhân của Điện cơ Thống Nhất đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng, cao hơn dự kiến ban đầu.
Đại diện Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 18 khu công nghiệp, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp ngừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên có doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc, giãn việc. Bối cảnh khó khăn của kinh tế năm 2012 đã tác động rõ rệt đến hoạt động của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu như những năm trước, công nhân được tự nguyện làm thêm ngày thứ bảy, nghỉ ngày chủ nhật thì hiện tại, họ được nghỉ thêm cả ngày thứ bảy.
Liên quan đến vấn đề thưởng Tết, vị đại diện này khẳng định: “Mức thưởng Tết năm nay sẽ không thể thấp hơn năm trước. Thu nhập của người lao động ở các công ty vẫn ổn định vì hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đều là những doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu”.