Cuối năm, cảnh báo tình trạng gia tăng tự chế pháo nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN -  Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện 304 vụ, bắt giữ 543 đối tượng sản xuất trái phép pháo. Giải pháp nào cho thực tế đáng lo ngại này khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?

Diễn biến phức tạp tình trạng tự chế pháo nổ

Càng về thời điểm những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ càng diễn biến phức tạp. Cùng với đó là chiều hướng gia tăng các vụ tai nan do tự chế pháo nổ, gây thiệt hại về người. Đáng chú ý, đối tượng trong nhiều vụ việc lại là thanh niên, học sinh, sinh viên.

Anh N.T.A bị thương nặng sau đó tử vong do tự chế pháo nổ

Anh N.T.A bị thương nặng sau đó tử vong do tự chế pháo nổ

Khoảng 15h30 ngày 14-11, một tiếng nổ lớn phát ra từ ngôi nhà 3 tầng ở tổ 9, phường Quang Trung, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Cửa kính vỡ vụn, anh N.T.A (SN 1997) bị trọng thương và sau đó tử vong tại bệnh viện. Nguyên nhân vụ việc được xác định là do anh A mua hóa chất về nhà tự chế pháo nổ. Trong quá trình tự chế, quả pháo bất ngờ phát nổ. Vụ việc khiến những ngôi nhà hàng xóm bên cạnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trước đó ngày 13-11, tại Bắc Giang cũng xảy ra vụ nổ lớn làm 1 người chết. Cụ thể, khoảng 19h30, Công an huyện Lục Nam tiếp nhận tin báo về việc xảy ra vụ nổ tại gia đình anh Bế Văn C (SN 1991) trú tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Vụ tai nạn khiến anh C tử vong, nhà ở bị bay hoàn toàn, chỉ còn lại 1 bức tường. Theo người dân địa phương thì có rất nhiều tiếng nổ lớn, khiến mọi người hoảng sợ. Sau vụ nổ có mùi thuốc pháo, nghi vấn nổ do thuốc pháo.

Thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an thông tin, 11 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 4.000 vụ với hơn 5.000 đối tượng, thu hơn 66 tấn pháo các loại, trong đó nhiều đơn vị công an địa phương đã phát hiện, bắt giữ vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ số lượng lớn qua biên giới vào khu vực nội địa.

Lực lượng công an đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo lậu nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại

Lực lượng công an đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo lậu nhưng tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại

Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy vi phạm về pháo vào dịp cuối năm vẫn tiếp tục có dấu hiệu diễn biến phức tạp, nhất là tại các tuyến biên giới. Thường vào dịp đầu năm, các đối tượng vận chuyển pháo qua các tuyến biên giới, tập kết tại các khu vực nội địa và đến thời điểm tháng 11 sẽ bán cho các “đại lý”, những người có nhu cầu sử dụng pháo nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, một diễn biến hết sức đáng lo ngại là tình trạng người dân, nhất là đối tượng học sinh sinh viên tự chế pháo nổ dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, tình trạng người dân tự mua hóa chất về chế tạo, sản xuất pháo nổ có chiều hướng gia tăng. Lực lượng công an đã bắt giữ trên 300 vụ với hơn 500 đối tượng tự nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo trái phép, trong đó nhiều vụ để lại hậu quả hết sức thương tâm.

Hiện trường tan hoang sau một vụ nổ do pháo tự chế

Hiện trường tan hoang sau một vụ nổ do pháo tự chế

Đối tượng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo trái phép chủ yếu trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh – sinh viên; trong đó, lứa tuổi từ 15-35 là chủ yếu. Cũng đã xuất hiện tình trạng các cháu học sinh cấp THCS, THPT tụ tập thành các nhóm mua các loại hóa chất và thông qua các trang mạng xã hội nghiên cứu cách thức chế tạo để sản xuất pháo trái phép. Cùng với đó là tình trạng người dân cố tình qua các trang mạng xã hội tìm hiểu cách thức sản xuất để sử dụng và bán pháo trái phép.

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do lợi nhuận của việc sản xuất, mua bán pháo nổ trái phép cao. Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân, học sinh – sinh viên còn hạn chế.

Mua bán, sử sụng pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật. Nghị định 137 của Chính phủ ban hành năm 2020 đã quy định rất rõ các loại pháo bị cấm. Do đó, để nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền các cấp cần chỉ đạo các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về hành vi phạm pháp luật trong lĩnh vực pháo. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân, xác định rõ pháo là sản phẩm rất nguy hiểm, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức của mình, không tự ý chế tạo, sản xuất cũng như mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại pháo trái phép, giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng xã hội” – Đại tá Vũ Minh Hùng đề nghị.