Cuộc tấn công tên lửa của Iran vào căn cứ Mỹ ở Iraq sẽ gây chiến tranh lớn?

ANTD.VN - Giới phân tích đang lo ngại cuộc tấn công tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự Mỹ trên đất Iraq sẽ dẫn tới hành động trả đũa mạnh mẽ từ Washington, từ đó làm bùng phát chiến tranh.

Mỹ hoàn toàn có thể đưa ra hành động mạnh mẽ nhằm đáp trả cuộc tấn công tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự nước này nằm trên đất Iraq, từ đó dẫn tới chiến tranh tổng lực quy mô lớn.

Đêm 13/3, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào thành phố Erbil, thủ phủ của người Kurdistan thuộc Iraq (Nam Kurdistan) - một khu tự trị được Baghdad công nhận, nằm ở phía Bắc nước này.

Truyền thông Ả Rập và người Kurd đưa tin, Iran đã bắn tổng cộng 12 tên lửa đạn đạo, khiến cho tổ hợp các tòa nhà của Tổng lãnh sự quán Mỹ và nhiều đối tượng của Liên minh quốc tế đều đã bị chìm trong biển lửa.

Đáng chú ý là sân bay, căn cứ không quân của Mỹ và hai trung tâm đào tạo tiên tiến của cơ quan tình báo Israel cũng đều trở thành mục tiêu bị bắn phá, ngoài ra trường quay truyền hình Kurdistan 24 cũng bị tấn công.

Những người chứng kiến ​​đã nói về nhiều vụ nổ mạnh. Hiện vẫn chưa có dữ liệu về thương vong của cư dân địa phương hay binh sĩ Mỹ. Các nguồn tin của người Kurd cho rằng Lực lượng vũ trang Iran đã sử dụng tên lửa đạn đạo Fateh-110.

Trong lúc này, giới truyền thông tại Washington cũng không loại trừ việc sắp tới Tổng thống Mỹ Joseph Biden sẽ nhanh chóng đưa ra một phản ứng cực kỳ cứng rắn, thậm chí mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua nhằm vào Tehran.

Hiện tại một số nguồn tin cho hay, nhiều máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đã sẵn sàng chờ lệnh tiến hành một cuộc không kích trả đũa nhằm vào Iran, tức là một cuộc chiến lớn sẽ bắt đầu.

Nói chung, giới truyền thông cũng suy đoán rằng cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhiều khả năng là đòn trả đũa cho việc Mỹ đã giết hại người Iran và người Ả Rập dòng Shia ở Syria cũng như Iraq, bao gồm cả Tướng Qasem Soleimani của IRGC tại Baghdad vào ngày 3/1/2020.

Ngoài ra trong thời gian sắp tới, Tehran thậm chí có thể tiến hành phong tỏa eo biển Hormuz, nơi có tầm quan trọng lớn đối với thương mại dầu mỏ thế giới, khiến cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Cần lưu ý rằng đây không phải là lần đầu tiên Iran thực hiện cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Sau những hành động trên, Washington đều cảnh báo đáp trả và phô trương sức mạnh quân sự, nhưng họ vẫn chưa quyết định chiến tranh với Iran.

Đồng thời, một số câu hỏi được đặt ra sau sự cố nói trên: Hệ thống phòng không của Mỹ được ca ngợi ở Erbil đang làm gì khi thành phố này thực sự chứa đầy những "đồ vật" quan trọng đối với Washington và nó cần được bảo vệ không kém gì Baghdad.

Tại sao người Iran lại cần một sự leo thang tình hình như vậy, bất chấp giai đoạn kết thúc của một "thỏa thuận hạt nhân" có lợi cho họ và thực sự đáng xấu hổ đối với phương Tây?

Chính quyền Mỹ sẽ làm gì tiếp theo, hậu quả sẽ ra sao đối với Tehran và liệu điều này có ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán xung quanh chương trình hạt nhân của Iran hay không?

Câu trả lời cụ thể dự báo sẽ được Mỹ đưa ra ngay trong đầu tuần tới, bất chấp việc họ đang tỏ ra khá "bận rộn" với cuộc xung đột tại Ukraine.