Cuộc hồi hương của các cổ vật triều Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các cổ vật triều Nguyễn còn nguyên vẹn nếu được trở về cố hương luôn là điều tuyệt vời và là mong muốn của nhiều người. Nhưng con đường ấy thường vấp phải nhiều rào cản, nhọc nhằn và khó đoán định.

Những cuộc săn lùng

Mấy năm trở lại đây, cổ vật triều Nguyễn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới sưu tầm và thường có mức giá cao ngất ngưởng. Liên tiếp các phiên đấu giá gần đây đã chứng kiến những cuộc ra giá rất mau lẹ, quyết liệt của nhà sưu tầm nhằm sở hữu bảo vật. Chiếc bát ngọc được cho là của vua Tự Đức (nằm trong bộ sưu tập của Nam Phương Hoàng hậu) vừa được nhà đấu giá danh tiếng Gazette Drouot (Pháp) giao dịch thành công với mức gần 21 tỷ đồng vào ngày 17-6-2022.

Trước đó, năm 2021, cổ vật là chiếc mũ quan triều Nguyễn đã được một tập đoàn kinh tế trong nước mua và tặng cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập đoàn này đã trả giá cao gấp 1.000 lần mức giá khởi điểm (tại phiên đấu giá chính thức của Balclis - nhà đấu giá hàng đầu Tây Ban Nha) với hơn 20 tỷ đồng. Cũng tại phiên đấu giá này, doanh nghiệp này còn mua một bộ áo dài Nhật Bình (một cổ phục của cung đình Huế) với mức giá cũng được gọi là “trên trời”, khoảng 930 triệu đồng. Năm 2015, chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (1855-1906) có giá khoảng 45.000 euro (1,5 tỷ đồng thời giá bấy giờ) được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp để đưa về nước, trưng bày ở Hoàng cung.

Chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá thành công với 16 tỷ đồng

Chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá thành công với 16 tỷ đồng

Đây chỉ là số ít các cổ vật nhà Nguyễn được dư luận trong nước biết tới qua các kênh thông tin từ báo chí. Còn nhiều cổ vật khác đã được giao dịch thành công và đang lưu lạc ở trời Tây, nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng Nhà nước và tư nhân ở nước ngoài. Các cổ vật triều Nguyễn được giới sưu tầm thích thú vì niên đại đã hơn 100 năm. Hơn nữa, tính nghệ thuật và mỹ thuật của các hiện vật cao, được tạo tác trên nhiều chất liệu quý, đắt đỏ như ngọc, vàng… thể hiện độ xa hoa, lộng lẫy của vương triều. Vì vậy, 10 năm trở lại đây, các cổ vật nhà Nguyễn được săn lùng đã đẩy giá các “lot” đấu lên hàng nghìn lần và kết quả cuối cùng bao giờ cũng rất bất ngờ vì giá trị “khủng”.

Bát ngọc được cho của vua Tự Đức được đấu giá thành công với gần 21 tỷ đồng

Bát ngọc được cho của vua Tự Đức được đấu giá thành công với gần 21 tỷ đồng

Giải pháp để trở về

Trái ngược với độ sôi sục của các nhà sưu tầm quốc tế, các bảo tàng công lập trong nước - nơi rất cần các hiện vật gốc để trưng bày - lại dửng dưng đứng ngoài các phiên đấu giá nghệ thuật như thế. Lý do là, các bảo tàng Nhà nước và các nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế trong việc nắm bắt thông tin. Thực trạng này được bắt nguồn từ chính sách, pháp luật hiện nay trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào cho phép tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài, hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Vì vậy, các bảo tàng trong nước hoạt động thuần chức năng trưng bày, triển lãm, sưu tập trong nước, ít quan tâm tới các hoạt động mua bán, giao dịch cổ vật ở nước ngoài. Thậm chí, ngay cả khi có thông tin về cổ vật Việt Nam đang rao bán, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất tham gia. Ngoài ra, thủ tục, quy định để một bảo tàng công lập mua cổ vật cũng là một trở ngại đáng kể.

Từng làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho biết, một bảo tàng công lập tại Việt Nam muốn mua cổ vật, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép thì phải thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật (và cả lai lịch của bên bán), đàm phán về mức giá… Nhiều thành viên hội đồng không thực sự am hiểu giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, kinh tế của cổ vật, nhưng lại có quyền can thiệp quá sâu và không cần thiết vào việc mua cổ vật.

Huế tiếp nhận hiện vật là mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình do một tập đoàn trong nước hiến tặng

Huế tiếp nhận hiện vật là mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình do một tập đoàn trong nước hiến tặng

Chưa kể, để mua được cổ vật từ nước ngoài, kinh phí sẽ quyết định tới việc thành bại. Thế nhưng, với các bảo tàng công lập, chế định tài chính trong nước eo hẹp, rất khó để các bảo tàng này theo kịp các bước giá liên tiếp được tung ra từ các nhà sưu tập quốc tế. Thất bại trong việc mua đấu giá bức tranh “Déclin du jour” (Chiều tà) do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vào năm 2010 là một ví dụ.

Có thể thấy rằng, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước để đưa cổ vật về nước sẽ là một con đường vô cùng gian nan. Thực tế cho thấy, các cổ vật nhà Nguyễn hồi hương thời gian vừa qua đều do các tập đoàn lớn trong nước hiến tặng. Vì thế, vai trò của tư nhân là rất lớn và cần có chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia mua cổ vật đưa về Việt Nam. Ví dụ như chính sách miễn thuế đối với các cổ vật có tuổi đời trên 100 năm; tạo hành lang pháp lý để tư nhân hiến tặng cho bảo tàng Nhà nước một cách dễ dàng, thuận tiện.

Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, đối với các bảo tàng Nhà nước, Việt Nam cần ban hành chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các bảo tàng công lập mua lại những cổ vật này và chuyển về nước thông qua các hoạt động giao dịch trên sàn đấu giá quốc tế, các cửa hàng, hãng buôn đồ cổ. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Trong nước hiện nay chưa có sàn giao dịch bày bán công khai các cổ vật, các hoạt động diễn ra theo lối tự phát.

Do vậy, cần hình thành một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp, được Nhà nước thừa nhận và bảo trợ. Khi có các sàn giao dịch công khai này sẽ khuyến khích tư nhân mua cổ vật ở nước ngoài về Việt Nam rồi tham gia đấu giá trong nước để kiếm lời. Trong quá trình chờ các chính sách, văn bản ban hành để điều chỉnh các hoạt động mua bán cổ vật ở trong và ngoài nước, các bộ sưu tập lộng lẫy của Vua Bảo Đại, Hoàng tử Bảo Long, Hoàng hậu Nam Phương… đã được các nhà đấu giá quốc tế giao dịch thành công. Từ đây, các cổ vật Việt Nam nằm trong các bộ sưu tập sẽ tỏa đi bốn phương trời, để lại niềm tiếc nuối nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm”.

Viện Pháp tại Huế vừa phối hợp với Công ty CP sách Thái Hà vừa giới thiệu đến công chúng bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô” của tác giả Francois Thierry. Ấn phẩm dày hơn 400 trang, do Tiến sĩ Lê Đức Quang dịch và viết lời bạt, Công ty CP sách Thái Hà phát hành gồm 12 chương. Qua tác phẩm gốc, nhà nghiên cứu này đã lần theo dấu vết những kho báu dưới triều Nguyễn với: Phần được lực lượng nổi dậy chuyển đi cất giấu; phần bị người Pháp chuyển về nước; phần do vua chúa tích lũy tiêu pha… Những kho báu tuần tự vào tay những con người nhất thời nắm giữ, được cân đong tỉ mỉ, dựa theo những tư liệu chính thức của Pháp. Cuốn sách cũng điểm lại phần nào “của cải của vương triều An Nam” cùng những cuộc đấu giá ở Pháp.

“Sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào năm 1975, có những báu vật xuất xứ từ Bảo tàng Khải Định xuất hiện trên thị trường buôn bán đồ (cổ) nghệ thuật. Ngày 8 và 9-12-1988, phòng trưng bày Couturier Nicolay giới thiệu đấu giá đồ sứ men xanh của (triều đình) Huế, tất cả đều được thông báo là thuộc sở hữu của ông X. Buổi đấu giá đã không diễn ra do có lệnh tạm ngưng được tuyên ngày 8-12 theo yêu cầu của cựu hoàng Bảo Đại. Cựu hoàng tuyên bố nhận ra những cổ vật với đồ sứ như thế trước đây thuộc quyền sở hữu của ông. Trong khi đó, danh mục của viện Bảo tàng Khải Định lại chẳng có một bản liệt kê đầy đủ, chi tiết về bộ sưu tập, cũng chẳng có hình chụp các món đồ có liên quan…”

“Năm 1990, người ta lại thấy xuất hiện một bộ gồm hàng chục đồng tiền thưởng bằng vàng được bán ra với tên gọi “Sưu tập đồng tiền thưởng bằng vàng của Hoàng đế xứ An Nam”. Mặc dầu văn phòng rao bán không xác định được nguồn gốc xuất xứ từ hoàng triều, nhưng số lượng và chất lượng các món đồ buộc người xem nghĩ rằng, toàn bộ các món rao bán vốn thuộc về một nhân vật thân cận với Hoàng đế An Nam”.

“Tại Pháp, suốt thời gian dài từ thời vua Thành Thái đến thời vua Bảo Đại, người ta chẳng mấy khi nhắc đến bộ sưu tập lưu giữ tại Bảo tàng Tiền cổ (thuộc sở đúc tiền Paris), hình thành từ các mẫu tiền xuất xứ từ kho báu triều Nguyễn. Albert Schroeder công bố bộ sưu tập này, nhưng chỉ một phần thôi, trong công trình nghiên cứu về tiền cổ, nhưng sau đó bộ sưu tập này mất tăm… Từ đầu thế kỷ 20 về sau, chẳng còn ai trông thấy bộ sưu tập này, đến mức người ta phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của nó…”.

Trích: “Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô” (tác giả Francois Thierry, Tiến sĩ Lê Đức Quang dịch và viết lời bạt)

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn: Không phải hiện vật nào của nhà Nguyễn cũng cần hồi hương

Bộ sưu tập quý giá về nhà Nguyễn đang ở Việt Nam và do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bảo quản. Các hiện vật nằm trong bộ sưu tập này có liên quan mật thiết tới việc điều hành và quản lý bộ máy Nhà nước của nhà Nguyễn. Ngoài ra, các hiện vật khác của thời nhà Nguyễn đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước.

Vừa qua, tại các phiên đấu giá quốc tế, nhiều người đã được biết tới và chiêm ngưỡng các hiện vật này. Quan điểm cá nhân của tôi về việc hồi hương cổ vật triều Nguyễn là không phải hiện vật nào chúng ta cũng đưa về nước. Theo tôi, chỉ những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện bộ máy quân chủ của nhà Nguyễn mới cần Nhà nước bỏ tiền ra, mua về trưng bày trong nước. Ngân sách có hạn nên không thể chi trả để mua nhiều hiện vật có mức giá cao ngất ngưởng như vậy. Với những hiện vật thật sự có giá trị, việc theo đuổi các phiên đấu giá quốc tế cần có sự hỗ trợ của khối tư nhân. Nếu không, rất khó để Việt Nam mua được các cổ vật này. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách để khuyến khích tư nhân và các bảo tàng công lập ra nước ngoài mua cổ vật đưa về nước. Ban đầu có thể chơi, mua qua bán lại sinh lời và cũng có thể tặng lại cho Nhà nước.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế: Cổ vật Việt Nam ra nước ngoài theo nhiều con đường

Trong lúc các bảo tàng công lập cũng như những nhà sưu tập cổ vật ở Việt Nam hiếm có cơ hội để lưu giữ, trưng bày các bảo vật quý hiếm của nền văn hóa, mỹ thuật Việt Nam, nhất là các món vàng bạc châu báu, thì nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở ngoại quốc đang sở hữu những bảo vật này. Thậm chí, nhiều quốc bảo của Việt Nam đang được mua bán trong các phiên đấu giá cổ vật ở London, Paris, Berlin, New York… hay được rao bán công khai trên các trang web thương mại như eBay, Spink, Amazon… Qua tìm hiểu, tôi được biết cổ vật Việt Nam đi ra nước ngoài theo những con đường sau:

- Các đạo quân viễn chinh của các nước thực dân, đế quốc từng xâm lược Việt Nam trong các thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đã cướp đoạt nhiều cổ vật, trong đó có nhiều bảo vật của các triều đại phong kiến Việt Nam và chuyển về chính quốc.

- Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính từng tham chiến ở nước ta đã “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật mang về nước, coi đó là vật kỷ niệm một thời chinh chiến của họ ở Việt Nam.

- Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam đi định cư ở nước ngoài đã mang theo nhiều cổ vật gia truyền. Vì một lý do nào đó, họ (hoặc thân nhân của họ) đã mang những món gia bảo ấy rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin, New York... Những cổ vật này đã được các bảo tàng, các nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại thông qua các phiên đấu giá và trở thành tài sản của những nhà sưu tập, bảo tàng này.

- Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam vì nhiều mục đích khác nhau đã sưu tầm nhiều tác phẩm mỹ thuật, cổ vật Việt Nam để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật của họ. Khi về nước, họ mang theo những tác phẩm mỹ thuật, những cổ vật này về cùng.

- Nạn buôn bán cổ vật trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là trong các giai đoạn 1980 - 2000 (đến nay vẫn chưa chấm dứt) đã gây nên tình trạng “chảy máu” cổ vật Việt Nam.

Hương Thủy (Ghi)