"Cuộc chiến" viêm xoang (1): Nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị bệnh

ANTD.VN -Mùa đông với cái lạnh cùng những cơn mưa rả rích cũng là thời điểm bệnh viêm xoang “vào mùa”. Bệnh viêm xoang thực sự đã trở thành nỗi “ám ảnh” đối với nhiều người bệnh. Nếu không hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này và chữa trị sai cách sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm xoang là gì? Là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm nhiễm, mất đi khả năng hoạt động bình thường. Những tổn thương lâu ngày không được điều trị dẫn đến ứ đọng dịch nhầy. Chất dịch này bám vào thành và gây ra hiện tượng đầy ứ, hẹp và tắc lỗ thông xoang, dẫn đến viêm nhiễm tạo mủ
Dựa vào diễn biến của bệnh, viêm xoang được chia làm 2 thể chủ yếu: Viêm xoang cấp (Thời gian xảy ra viêm từ 2 đến 3 tuần); viêm xoang mạn (Bị viêm từ 3 tuần đến hàng chục năm); viêm xoang tái phát (Bị nhiều đợt viêm xoang trong cùng 1 năm)
Nguyên nhân chính gây viêm xoang: Vi khuẩn, nấm; do cơ địa dị ứng; do sức đề kháng kém; do bệnh lý đường hô hấp; nguyên nhân khác: Bệnh viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng hàm trên, chấn thương...
Bạn có thể phát hiện bệnh qua những dấu hiệu viêm xoang phổ biến sau
Đau nhức: Viêm xoang hàm: Người bệnh cảm thấy đau nhức ở vùng má; viêm xoang trán: Người bệnh bị nhức giữa 2 lông mày, đau nhức trong khung giờ nhất định; viêm xoang sàng trước: Đau nhức ở giữa 2 mắt; viêm xoang sàng sau và xoang bướm: Nhức trong sâu và vùng gáy
Hiện tượng chảy dịch: Nếu bị viêm xoang trước, dịch sẽ chảy ra mũi trước, nếu bị viêm xoang sau, dịch sẽ chảy xuống họng. Biểu hiện viêm xoang này khiến người bệnh phải khụt khịt, cảm thấy khó chịu ở cổ họng, muốn khạc nhổ liên tục. Tùy vào tình trạng bệnh mà dịch sẽ có màu trắng, đục, vàng nhạt hay màu xanh, có mùi hôi rất khó chịu
Nghẹt mũi: Nghẹt mũi thường xuyên cũng là dấu hiệu bệnh viêm xoang. Có thể nghẹt mũi 1 hoặc cả 2 bên, đồng thời thấy khó thở, khó chịu trong người và rất mệt mỏi
Điếc mũi: Khi xoang bị viêm, nếu không được chữa trị đúng cách thì bệnh sẽ trở nặng, nó sẽ gây phù nề nhiều, người bệnh không còn phân biệt được mùi khi ngửi do thần kinh khứu giác không còn cảm nhận được mùi
Ngoài những biểu hiện của viêm xoang kể trên còn có một số biểu hiện khác như: Đau đầu; sốt nhẹ hoặc sốt cao; khi nghiêng người về phía trước sẽ có cảm giác chóng mặt hay choáng váng, đau xung quanh vùng mắt theo từng cơn và nhịp mạch đập; đau nhức mỗi khi hắt hơi mạnh,...
Viêm xoang có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng mũi họng: Viêm mũi họng mạn tính; biến chứng đường hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản…; biến chứng tai: Gây viêm tai giữa cấp; biến chứng mắt: Gây viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm túi lệ, viêm tấy hoặc áp xe ổ mắt…; biến chứng xương: Thường gặp ở trẻ em như viêm xương hàm trên, xương thái dương; biến chứng nội sọ: Gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não, áp xe não…
Những đối tượng dễ viêm xoang là: Những người có cơ địa dị ứng; nhóm người dễ bị viêm nhiễm những vùng lân cận như: viêm tai, viêm mũi, viêm amidan, viêm họng mạn tính...; những người có dị hình cấu trúc giải phẫu; người nghiện thuốc lá, mắc bệnh đường hô hấp, suy giảm hệ thống miễn dịch...; người thường xuyên làm việc trong môi trường khói bụi, nhiều hóa chất
Nguyên tắc cơ bản trong điều trị viêm xoang là cần đảm bảo dẫn lưu và thông khí xoang tốt
Đối với viêm xoang cấp tính có thể điều trị tại chỗ: Làm sạch và thông thoáng hốc mũi bằng cách rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch…; nhỏ thuốc; xông hơi nước nóng; khí dung mũi xoang
Đối với viêm xoang mãn tính thì cần kết hợp điều trị nội khoa và ngoại khoa. Chú ý, người bệnh cần tuân thủ đúng liều thuốc, thời gian điều trị và lời khuyên của bác sĩ. Đồng thời, nên khám bệnh ở các cơ sở chuyên khoa, không nên tự ý dùng thuốc vì có thể gây nhờn thuốc hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc gây hại đến sức khỏe
Lưu ý: Người bệnh cần phân biệt triệu chứng viêm xoang với bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài vào buổi sáng hoặc buổi tối, dịch mũi có màu trong suốt, không màu và nghẹt mũi