Cúm gia cầm cầu cứu vaccine

ANTĐ - Chiều 23-2, BCĐ Quốc gia phòng chống cúm gia cầm đã triệu tập cuộc họp khẩn với các địa phương bàn phương án dập dịch. Đáng lo ngại, virus H5N1 đã lưu hành rộng rãi ngoài môi trường, trong khi, thời tiết lại thuận lợi cho dịch bùng phát, địa phương nào cũng cầu cứu “vaccine”.
Môi trường chăn nuôi không đảm bảo là một trong những nguyên nhân khiến dịch kéo dài

Chưa có bản đồ phân bố chủng virus mới

Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên địa bàn 36 xã, phường của 29 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm chết, bệnh và tiêu hủy là 51.900 con. Bên cạnh đó, tại một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An… xuất hiện nhiều gia cầm ốm chết, chưa có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Từ tháng 9-2011 đến nay, Cục Thú y giám sát virus cúm H5N1 lưu hành cho thấy, đã lấy 4.000 mẫu xét nghiệm, phát hiện virus lưu hành tại 15 tỉnh, thành trên cả 3 miền. Trong đó, nhiều tỉnh có tỉ lệ virus lưu hành cao như Hà Tĩnh 25%, Quảng Nam… Ông Năm đánh giá, các biện pháp chống dịch chúng ta đang áp dụng đã hoàn thiện, tập hợp cả kinh nghiệm của thế giới và trong nước qua các năm. Tuy nhiên, chiến lược sử dụng vaccine có sự thay đổi dẫn đến không ít khó khăn trong phòng chống dịch bệnh. Bởi vậy, nếu các địa phương không làm quyết liệt thì sẽ khó dập được dịch.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương Nguyễn Hữu Dương cho biết, hiện toàn tỉnh có 10 triệu con gia cầm. Do vậy, cúm gia cầm xuất hiện đã gây lo lắng cho hầu hết các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Qua kiểm tra tại ổ dịch cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến dịch bùng phát là do môi trường chăn nuôi không đảm bảo, vệ sinh chuồng trại kém, trong khi đó, kiểm soát chất lượng con giống đầu vào còn bỏ ngỏ. “Khó nhất là hiện vẫn chưa xác định được virus lưu hành trên địa bàn tỉnh thuộc chủng nào. Có thể, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng có bản đồ phân bố chủng cúm để các địa phương sử dụng vaccine”. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị cung ứng vaccine để tiêm phòng cho đàn gia cầm.


Vaccine không phải là thuốc thần

Cũng tại cuộc họp chiều 23-2, hầu hết các địa phương đang có dịch đều kiến nghị Bộ NN&PTNT cung ứng vaccine để phục vụ dập dịch. Dù kết quả vừa qua cho thấy, tỷ lệ bảo hộ của vaccine đối với chủng virus H5N1 nhánh mới rất thấp, một nhánh đạt 40-50%, nhánh còn lại tỷ lệ bảo hộ là 0%. Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này vừa đình chỉ chức vụ đối với một Trạm trưởng Trạm thú y vì lơ là trong phòng chống dịch. Đến nay, dịch đã làm 13.000 gia cầm trên địa bàn tỉnh phải tiêu hủy, đến ngày 23-2, vẫn tiếp tục xuất hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có Chỉ thị nêu rõ, nơi nào để dịch xảy ra mà chậm báo cáo, thì chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Ông Quyền kiến nghị, cần cấp ngay vaccine cho tỉnh này để bao vây dập dịch.

Bên cạnh việc thiếu vaccine, nhiều tỉnh, thành cũng lo lắng, không kiểm soát được khâu vận chuyển, dẫn đến dịch dễ phát tán rộng. Đại diện TP Hải Phòng cho rằng, Hải Phòng có nhiều trục giao thông nối với các địa phương, lượng gia súc, gia cầm vận chuyển qua rất lớn, đây cũng là một trong những nguồn phát tán gia cầm bệnh. Do vậy, Hải Phòng kiến nghị các địa phương cần làm tốt khâu kiểm soát, kiên quyết không để gia cầm bệnh bán tháo đi các nơi.

Trước nhu cầu sử dụng vaccine của các tỉnh, thành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, cuối tháng 2, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành bản đồ phân bố xác định rõ chủng virus trên địa bàn từng tỉnh, thành và khi đó, sẽ cấp vaccine cho các tỉnh. Còn hiện tại, Bộ này chỉ cung cấp vaccine cho các tỉnh đang có dịch. Ông Diệp Kỉnh Tần cũng lưu ý các địa phương, hiện điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho virus phát triển, rét đậm, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng của virus. Trong khi đó, miền Nam lại xuất hiện mưa trái mùa, diễn biến dịch thời gian tới sẽ còn phức tạp, bởi vậy, các tỉnh phải siết chặt hơn nữa, không được chủ quan, lơ là như thời gian vừa qua.

Ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: “Giám sát dịch bệnh của chúng ta vẫn còn lơ là chủ quan. Qua 2 địa phương có người nhiễm cúm gia cầm tử vong cho thấy, khi người bị tử vong, cho kiểm tra mới phát hiện có dịch cúm xảy ra. Vai trò của thú y địa phương và chính quyền cơ sở rất quan trọng trong phòng, chống dịch”.