Của ăn là của... độc

ANTĐ - Việc một số thực phẩm thông dụng như: sữa tươi tiệt trùng, mì ăn liền, tương ớt… sử dụng liều lượng chất bảo quản ngoài danh mục vượt mức cho phép, có loại vượt gấp nhiều lần để thực phẩm không bị ôi thiu, nấm mốc nhằm kéo dài thời hạn sử dụng đang rất phổ biến.

Các nhà chuyên môn đều cho rằng, việc lạm dụng này tiềm ẩn các nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chuyện đó không mới. Mới đây nhất lại có chuyện sau nhiều tháng kiểm tra, giám sát, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đã phát hiện và xác định hóa chất Ethephon (còn gọi là “thúc chín tố”) đang bị lạm dụng để bảo quản thịt tại Thanh Hóa và một số tỉnh, thành khác. Hóa chất này cùng nhiều hóc môn kích thích tăng trưởng gốc bị cấm sử dụng, đang được thương lái lạm dụng để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi của thịt.

Loại hóa chất này không màu, không mùi, đựng trong lọ nhựa khoảng 5 ml, trên lọ có in chữ nổi “thúc chín tố”, hoạt chất chính là Ethephon. Đây là hóa chất gốc phốt pho, có tác dụng điều hòa sinh trưởng thực vật. Chất này gây kích ứng mắt khiến mắt xót, đỏ. Hóa chất này còn tác động trực tiếp lên da gây ăn mòn, sưng tấy và đỏ da.

Cũng theo Cục này, ngoài Ethephon, kết quả giám sát còn phát hiện ra việc lạm dụng hóc môn kích thích tăng trưởng là những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi vì có thể gây rối loạn chức năng tim phổi nếu con người ăn phải thực phẩm có tồn dư lớn chất này. Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm trong trồng trọt cũng diễn biến phức tạp không kém do việc sử dụng ngoài luồng thuốc bảo vệ thực vật từ nông dân.

Người tiêu dùng không thể phân biệt các loại thực phẩm sử dụng các loại hóa chất trên. Tất cả chỉ trông vào... lương tâm và uy tín của nhà sản xuất qua những thông tin trên bao bì. Còn đối với các loại thực phẩm tươi bày bán không có bao bì, nhãn mác thì người tiêu dùng đành chịu.

Các nhà quản lý chỉ đưa ra lời khuyên “Hãy là người tiêu dùng thông minh” chỉ sử dụng thực phẩm tươi, không nên sử dụng thực phẩm bảo quản mà không rõ nguồn gốc vì rất có thể hôm nay chúng ta ăn, ngày mai chúng ta mắc bệnh. Những hóa chất này có thể gây ra ung thư và các biến thể bệnh lý khác của DNA như bệnh Alzheimer, Parkinson …

Bất chấp cảnh báo về phụ gia thực phẩm độc hại, các cơ sở sản xuất vẫn cho thực phẩm ngậm phẩm màu, chất bảo quản ngoài danh mục. Miếng ăn của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhìn nhận về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cho rằng: "Trong thời gian tới, phải kiên quyết xử lý những cá nhân, cơ sở vi phạm, truy xuất đến cùng vùng sản xuất “bẩn”. Dù sẽ gặp phản ứng dữ dội từ nhiều phía, song không thể nhân nhượng cho một người để đầu độc nhiều người".

Bởi thế vụ việc “ của ăn là của … độc”  có thể gọi đích danh này chính là tội danh: Giết người từ từ, giết người hàng loạt.