Công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, vừa tư vấn, tự doanh, nhà đầu tư cá nhân liệu có bị “chèn ép”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều nhà đầu tư bày tỏ bức xúc cho rằng đang bị chèn ép, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin khi các công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa được tự doanh chứng khoán.

Những phiên giao dịch chứng khoán gần đây, nhiều nhà đầu tư bất ngờ nhận “trái đắng” khi hàng loạt nhóm cổ phiếu mà các môi giới, brocker của các công ty chứng khoán từng hô hào mua bỗng quay đầu rớt giá thảm. Tài khoản nhà đầu tư đang lãi lớn đã giảm không phanh và lỗ hàng nhiều chục phần trăm chỉ trong ít phiên.

Nhà đầu tư nhiễu loạn thông tin, không hiểu điều gì đang xảy ra trên thị trường. Nhiều người mất niềm tin vào thị trường nằm khi cho rằng thị trường đang thiếu minh bạch và tồn tại bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin. Nhà đầu tư nhỏ lẻ không chỉ bị lừa dối thông tin mà còn bị chèn ép trong việc tham gia vào thị trường khi các công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, tư vấn đầu tư lại vừa thoải mái tham gia tự doanh chứng khoán.

Tuy nhiên, trả lời vấn đề này Bộ Tài chính khẳng định việc các công ty chứng khoán được phép tự doanh là phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Bộ Tài chính cho rằng việc các công ty chứng khoán được phép tự doanh là phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam

Bộ Tài chính cho rằng việc các công ty chứng khoán được phép tự doanh là phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, theo thông lệ quốc tế, công ty chứng khoán được phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Còn theo Khoản 1 Điều 72 Luật Chứng khoán cũng quy định, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán gồm: Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán, Bảo lãnh phát hành chứng khoán và Tư vấn đầu tư chứng khoán.

Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng quá trình hoạt động, có thể có xung đột lợi ích giữa công ty chứng khoán và khách hàng. Do vậy, để ngăn ngừa, Luật Chứng khoán (Điều 89) và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính) đã quy định hạn chế xung đột lợi ích giữa khách hàng và công ty chứng khoán, theo đó, công ty chứng khoán có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng.

Bộ Tài chính khẳng định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các công ty chứng khoán nhằm đảm bảo các công ty chứng khoán hoạt động tuân thủ quy định pháp luật.