Là ngành được ưu tiên nhưng công nghiệp ô tô mãi không lớn
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam luôn quan tâm đề ra những chủ trương, chính sách thúc đẩy công nghiệp, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007. Những chính sách trên đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong hơn 10 năm trở lại đây.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong 10 năm qua tăng 3,42 lần, tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32% tổng GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp tăng gần 3,5 lần. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Công nghiệp còn ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các FDI vào doanh nghiệp trong nước còn hạn chế…
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh- Trường Đại học Fullbright Việt Nam, sau bao nhiêu năm bảo hộ, Việt Nam vẫn phải nhập thép, giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô vẫn non trẻ và chưa bao giờ lớn, sau con chip điện tử của Intel hay điện thoại Samsung chỉ thấy gia công lắp ráp. Việt Nam không có nhà cung ứng cấp 1, 2… cho Intel, Samsung, đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng chỉ ở mức 3% với Intel và 8% với Samsung.
Vì vậy, Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay mà nên có chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực”, phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.
Việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên phải lựa chọn dựa trên thực tế và bối cảnh quốc gia. Theo đó, những ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển phải đáp ứng một số tiêu chí như: đủ năng lực cạnh tranh, xuất khẩu và phải đáp ứng được kỷ luật về thời gian, khuôn khổ hỗ trợ.