- Khởi tố 10 thanh thiếu niên mang hung khí đi 'náo loạn' đường phố
- Xử lý nghiêm 25 thanh, thiếu niên tụ tập đánh nhau, giữ người trái pháp luật
- Xuyên đêm xử lý hàng trăm thanh thiếu niên vi phạm TTATGT
Học sinh vi phạm giảm
Trong vòng 10 tháng qua, Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, xử lý 115 vụ gây rối trật tự công cộng với hơn 1.600 đối tượng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe tốc độ cao, mang theo hung khí để đi đánh nhau.
Theo cơ quan Công an, có hai yếu tố chính khiến tỷ lệ vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên vẫn còn ở mức cao, đó là sự phát triển của các nhóm kín, các trang mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của nhiều thanh thiếu niên; cùng với đó là sự chủ quan của các phụ huynh khi giao hoặc không quản lý việc con em tự ý sử dụng phương tiện khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái.
|
Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông có chiều hướng giảm |
Ngoài tiến hành truy cứu trách nhiệm của phụ huynh hoặc những người có liên quan khi giao phương tiện cho tội phạm vị thành niên, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội cũng đã thành lập các tổ công tác liên ngành tăng cường tuần tra tại các địa bàn trọng điểm; cùng với đó xây dựng phương án phối hợp giữa các lực lượng để tránh bỏ lọt tội phạm.
Với nỗ lực vào cuộc quyết liệt, thực trạng vi phạm của học sinh các trường liên quan TTATGT đã có sự thay đổi rõ nét, nhận thức của học sinh đã chuyển biến tích cực, trách nhiệm của phụ huynh học sinh, người giám hộ đã thay đổi hơn khi có sự tác động của nhà trường và việc kiểm tra xử lý của cơ quan công an.
Trách nhiệm của người giám hộ
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Hứa Việt Hưng, Trưởng Công an quận Long Biên chia sẻ, thực tế trong thời gian vừa qua, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn quận Long Biên phức tạp và có chiều hướng gia tăng, dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo thống kê trên địa bàn quận Long Biên có tổng số 247 trường học với tổng số 104.743 học sinh.
“Trước tình hình này, CAQ Long Biên đã ban hành kế hoạch 315 về mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trên địa bàn quận Long Biên. Chúng tôi vừa tuyên truyền, vừa xử lý nghiêm để tạo tính răn đe đối với cả học sinh và người giám hộ, phụ huynh của các em”, Đại tá Hứa Việt Hưng cho hay.
Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn quận Long Biên đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông làm 12 học sinh bị thương gây thiệt hại, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và tương lai của các em, để lại hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội.
Qua công tác xử lý cho thấy,6 lỗi học sinh thường mắc khi tham gia giao thông: Tụ tập dưới lòng, lề đường, Chạy xe dàn hàng ngang trên đường, Không đội mũ bảo hiểm. Vượt đèn đỏ. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Lạng lách, đánh võng.
|
Lực lượng Công an quận Long Biên lập chốt, xử lý học sinh vi phạm giao thông |
Đặc biệt đối với thanh thiếu niên ngổ ngáo, điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, đua xe trái phép, Công an quận đã xác định các tuyến đường xuyên trục, xuyên tâm trên địa bàn, nơi các đối tượng thanh - thiếu niên thường tụ tập, rủ nhau điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, nẹt pô… từ đó cắm chốt, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Chủ yếu các đối tượng bị xử lý đều từ các tỉnh lân cận, giáp ranh với Long Biên.
Sau 40 ngày triển khai cao điểm xử lý học sinh vi phạm giao thông, Công an quận Long Biên đã kiểm tra, xử lý: 650 trường hợp học sinh vi phạm, phạt 125.600.000 đồng, tạm giữ 296 phương tiện. Đáng nói, trong số 296 phương tiện bị tạm giữ, có đến 73 phương tiện trên 70 phân khối. Và tất cả 650 trường hợp bị xử lý đều không đội mũ bảo hiểm. 38 trường hợp giao xe hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển. 66 trường hợp chưa đủ tuổi và không đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe máy…
Cũng theo Đại tá Hứa Việt Hưng, để biện minh cho việc cho phép con cái đi xe máy khi chưa đủ tuổi, một số phụ huynh cho rằng, việc trang bị xe máy cho học sinh giúp các em thuận tiện hơn, đỡ vất vả hơn trong việc đi học hoặc "để bằng bạn, bằng bè". Chính sự thương con sai cách này của các bậc cha mẹ đã tiếp tay cho con trẻ vi phạm giao thông và dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cho lứa tuổi học sinh.
Không những thế, chính những bãi trông giữ xe tự phát hay việc một số nhà trường nhận trông giữ xe máy cho học sinh cũng là vi phạm, khiến tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Để xử lý triệt để, tất cả các trường hợp học sinh vi phạm, hàng tuần, Công an quận Long Biên đều lập danh sách tên trường, lớp, hộ khẩu thường trú gửi Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội, UBND quận Long Biên phối hợp với Sở giáo dục đào tạo, Phòng giáo dục đào tạo quận thông báo về trường, gia đình có biện pháp xử lý, quản lý, giáo dục. Đồng thời, CAQ Long Biên cũng chỉ đạo xác minh thông tin về bố, mẹ và người giám hộ của học sinh vi phạm, và đề nghị xử lý theo quy định khi để con em mình vi phạm.
Ở độ tuổi phát triển về nhận thức và thể chất, đa phần các em học sinh, thanh thiếu niên thường có tâm lý hiếu thắng, thích thể hiện trước bạn bè nên dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động nông nổi. Do đó, gia đình vẫn là nơi quản lý sát sao nhất. Do vậy, để không còn những vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, rất cần sự chung tay của các hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, và nhất là sự làm gương, làm đúng từ phía nhà trường và cha mẹ học sinh.