'Con nợ khí đốt' của châu Âu một lần nữa được cứu nhờ nhiên liệu Nga?

ANTD.VN - Nhiên liệu Nga đã trở thành cứu cánh cho một quốc gia bị ví như "con nợ khí đốt" của châu Âu, bất chấp những căng thẳng giữa hai nước thời gian gần đây.

Đối với châu Âu, Tập đoàn Gazprom luôn là một nhà cung cấp quan trọng - nhiên liệu Nga đang đóng vai trò nguồn bù đắp duy nhất cho khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) còn thiếu, thậm chí còn là nguồn năng lượng chính.

Mặc dù các quốc gia khu vực Baltic đã cố gắng tìm cách hạ thấp vai trò của khí đốt Nga, song không thành công, từ đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng cục bộ.

Do theo đuổi chính sách chống Nga đã dẫn đến việc Latvia ngừng mua trực tiếp nguyên liệu thô của tập đoàn Gazprom. Kho chứa khí đốt Inčukalns của họ chỉ còn đầy 53%, mặc dù vào đầu tháng 8, theo quy định của EU, nó phải được lấp đầy ít nhất 57%.

Vì thế, nước cộng hòa vùng Baltic này đang được liệt vào danh sách "những con nợ khí đốt" của châu Âu. Để đáp ứng yêu cầu từ EU, Latvia có lẽ không còn cách nào khác là phải quay lại mua nhiên liệu từ Nga.

Tập đoàn Gazprom nhiều khả năng sẽ một lần nữa trở thành cứu cánh, nhất là khi các nước giàu có của EU cố gắng gây "bão hòa thị trường" nhằm nhanh chóng lấp đầy kho dự trữ của họ.

Các nước có vị trí chủ chốt trong Liên minh châu Âu bị cáo buộc đã tiến hành tranh cướp khí đốt không chỉ từ những nước nghèo ở châu Á, mà còn từ các quốc gia láng giềng ít có ảnh hưởng hơn trên toàn khu vực đồng Euro.

Nói một cách đơn giản, không quốc gia EU nào đã dự trữ đủ nhiên liệu cho mùa Đông săn sàng chia sẻ khí đốt cho những nước gặp tình trạng khó khăn, chỉ Nga mới có thể giúp họ vượt qua thời khắc này.

Đó là lý do tại sao chính quyền Riga quyết định tiếp tục mua nhiên liệu trực tiếp từ Nga, không thông qua trung gian, hoặc bấp bênh đợi mua LNG dư thừa từ những nhà cung cấp khác.

Việc Latvia tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thô từ Tập đoàn Gazprom được xác nhận bởi trang theo dõi ENTSOG. Khối lượng cung cấp lên đến 4 triệu mét khối mỗi ngày (dữ liệu từ nhà điều hành GTS Latvia Conexus).

Các nhà chức trách của nước cộng hòa vùng Baltic này đã thận trọng không áp đặt lệnh cấm như Lithuania và Estonia, do đó họ có thể lấp đủ khối lượng nhiên liệu dự trữ theo quy định do Brussels đưa ra như trên.

Vấn đề nữa cần lưu ý chính là các kho dự trữ ở Latvia được chia sẻ với Phần Lan, quốc gia này cũng bị ngắt nguồn cung cấp từ Liên bang Nga.

Nhà máy LNG ở Klaipeda cũng được Ba Lan sử dụng, đó là lý do tại sao Gazprom gần như trở thành nhà cung cấp độc quyền, có thể bổ sung cho các cơ sở lưu trữ mà không làm tổn hại đến lợi ích năng lượng nhạy cảm của các nước láng giềng EU.

Latvia có thể không phải là nước cuối cùng cậy nhờ vào "gã khổng lồ" năng lượng Nga. Bulgaria từ lâu đã bị cắt nguồn cung do vi phạm điều khoản thanh toán, họ cũng không thực hiện đúng kế hoạch của EU và hiện đang phải tìm cách nhanh chóng khắc phục tình hình.