Côn đồ làng: Nỗi lo sau lũy tre

ANTĐ - Cùng với tình trạng đất nông nghiệp bi thu hẹp, người làng ra thành phố làm thuê nhiều, nền kinh tế làng trước đây chủ yếu là tự cung tự cấp, nay chuyển sang sản xuất hàng hóa, gia nhập thị trường, lối sống ở nông thôn đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi tốt lên là chủ yếu. Tuy nhiên việc gia nhập nền kinh tế thị trường cũng làm cho lối sống sau các lũy tre gặp nhiều hệ lụy, đặc biệt sự suy giảm đạo đức đáng kể và trầm trọng hơn là tệ nạn côn đồ làng đang uy hiếp đời sống yên bình của bà con nông dân.
Côn đồ làng: Nỗi lo sau lũy tre ảnh 1


Có tổ chức

Ông Lê Mạnh Kỳ, cán bộ hưu trí ở xóm 1, xã Bùi Xá ( huyên Đức Thọ - Hà Tĩnh) cho biết: "Cứ độ chiều tối là thấy một số đối tượng mặt mày bặm trợn, đầu tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ, tụ tập trên bờ đê La Giang uống rượu. Đến khoảng 8 giờ tối, bọn chúng chia ra làm nhiều tốp đi lùng sục khắp các ngõ, gặp gì là chúng lấy nấy. Chúng ngang nhiên vào nhà dân, nếu bị chủ nhà phát hiện thì chúng lặng lẽ trở ra. Người nhà cũng không dám to tiếng, chỉ bảo chúng ra khỏi nhà cho êm chuyện, nếu to tiếng hay nói khó nghe là chúng quay lại đánh đập và gọi thêm đồng bọn mang hung khí đến dằn mặt".

Ngoài trộm cắp ra, các đối tượng còn dùng súng hơi để bắn gà, bắn vịt mà chúng thấy trên đường đi. Theo người dân, có đối tượng đi xe máy không biển số, dùng súng săn để bắn chó. Khi bị người dân phát hiện, chúng chĩa nòng súng đe dọa, nên không ai dám hô hoán, tố cáo.

Đấy là tình trạng phổ biến của côn đồ làng hiện nay. Thật ra không phải bây giờ mới có nạn côn đồ làng. Ngay từ xa xưa ở mỗi làng đều có một vài người bất hảo, hay gây ra những những vụ việc mất trật tự hoặc trộm cắp vặt. Nhưng hiện nay côn đồ làng đã có thêm một hình thức nguy hiểm hơn, đó là tụ tập thành đám đông, trấn áp, đe dọa người dân. Chính việc tụ tập này đã làm cho dân làng lo sợ không dám chống lại chúng, gây khó khăn cho công tác điều tra khi có vụ án xảy ra. Ngay tại xã Bùi Xá như đã kể trên, khi chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Văn Thắng, Trưởng Công an xã Bùi Xá, thì ông này cho biết: “Tình hình an ninh trong xã vẫn ổn. Xã có nghe dân báo là có mấy đối tượng mang dao, kiếm đi dọc đường, nhưng khi đến thì không có ai. Công an xã đã bố trí mai phục nhưng không bắt được đối tượng nào. Còn việc mất trộm thì có nghe đôi vụ nhưng không cụ thể". Còn người dân thì cho biết thêm, mới đây, trong một lần giải vây hai nhóm côn đồ đi chơi đám cưới, chính Trưởng Công an xã Bùi Xá cũng lĩnh nhiều nhát kiếm của những đối tượng này, phải nhập viện điều trị.

 Trước tình trạng tài sản của người dân bị mất trộm thường xuyên, các xóm đều tiến hành các cuộc họp để tìm cách đối phó. Nhưng, do các đối tượng rất manh động và liều lĩnh nên người dân không dám công khai ra mặt, không dám trình báo cơ quan chức năng, thậm chí chính ông Lê Văn Thắng cũng không dám báo cáo cấp trên, chỉ bởi lý do gia đình ông cũng ở trong xã, nhỡ có gì thì…

Manh động

Chính sự sợ hãi của dân làng đã tạo ra ảo tưởng về sức mạnh của bọn côn đồ làng, dẫn đến sự manh động sẵn sàng gây án. Chiều 24.1, hàng chục thanh niên đi xe máy đem theo dao, kiếm... đến thôn Trà Sơn, xã Kênh Giang, H.Thủy Nguyên (Hải Phòng) tìm chém người (chưa rõ vì nguyên nhân gì, nhằm vào ai). Theo một số nhân chứng, cứ thấy thanh niên là nhóm trên lao vào chém. Nhiều người chạy thoát, riêng Nguyễn Cao Cường bị chém đứt gân tay, mẻ xương khuỷu tay phải. Chỉ khi người dân tập trung lại truy đuổi và lực lượng công an xã có mặt nhóm côn đồ mới chịu tháo chạy.

Ngày 18-8-010, tại làng Nam Cường (Xã Tam Đồng - Huyện Mê Linh) xảy ra vụ giết người nghiêm trọng, một người chết, một người trọng thương. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an Huyện Mê Linh đã bắt được đối tượng và xác định đó là Nguyễn Văn Long (SN 1995) trú tại làng Thạch Đà, cũng xã.Theo cơ quan công an, khoảng 4h chiều ngày 18-8-2010 Kiều Văn Tâm cùng Kiều Hải Đông đi cắt tóc ở đầu ngõ. Khi đang ngồi chờ đến phiên mình thì bỗng nghe thấy có tiếng tri hô: “mấy thằng làng khác đánh người làng mình”. Khi vừa đến nơi xảy ra đánh nhau, nhìn thấy chỉ có hai đối tượng chạc tuổi mình đằng đằng sát khí, Tâm liền xông vào can ngăn. 

Vừa mới vào, Tâm ngay lập tức bị một trong hai đối tượng rút dao (loại dao gập lá lúa) chém mạnh vào tay trái. Lúc đó Đông cũng vừa kịp tới, trông thấy anh mình bị thương cũng nhặt lấy một viên gạch xông vào định trả thù nhưng cũng bị đối tượng kia rút dao đâm vào sườn trái khiến Đông gục xuống. Sau khi đâm Đông, đối tượng tiếp tục đâm thêm hai nhát vào người Tâm, một nhát trúng bụng, một nhát trúng cuống tim khiến Tâm gục xuống chết ngay tại chỗ. 

Các đối tượng ở Bùi Xá ( Hà Tĩnh) cũng không dừng lại ở trộm cắp. Anh Lê Văn Hiệp ở xóm 2 Bùi Xá vừa trò chuyện, vừa giơ 3 ngón tay bị chém, có 1 ngón bị đứt ra kể tội: “Một lần thấy sáu đứa bọn chúng vào nhà, tôi lúc đó đang ở trong bếp ra hỏi thì có 6 tên mang theo 5 cái kiếm. Chưa biết chuyện gì tôi đã bị chúng chém tới tấp. Bố tôi thấy vậy can ngăn thì cũng bị chúng chém mất 1 ngón tay”.


Khoét sâu mâu thuẫn.. làng

Tình trạng phổ biến hiện nay là côn đồ làng này đánh nhau với côn đồ làng kia. Nguyên nhân là do mẫu thuẫn giữa các làng từ trước, hoặc các nhóm trai làng này không cho phép trai làng khác đến tìm hiểu gái làng mình. Từ xưa, người dân chốn thôn quê vốn có mối quan hệ tình làng nghĩa xóm khăng khít bền chặt với nhau, những va chạm nhỏ được hóa giải theo hướng “chín bỏ làm mười” trong sinh hoạt thường nhật.

Thế nhưng chính các ổ nhóm côn đồ đã biến các va chạm nhỏ này thành các vụ án, nhiều khi có gây chết người. Điều đau xót khi các vụ án nghiêm trọng xảy ra ngoài kẻ chết, người vào tù, thì còn lại đó là những hận thù dai dẳng, tạo thành cái “dớp” trong tiềm thức mỗi người dân trong thôn, làng, xã. Tình làng nghĩa xóm vốn tốt đẹp lâu nay bỗng chốc bị che mờ bởi sự mâu thuẫn, hằn học, hận thù của những người liên quan. Có những vụ “cố ý gây thương tích” bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa các dòng họ, mấy chục năm những người trong cuộc đã quên thì nay nhằm gây sự bất ổn, bọn côn đồ lại khơi lại, thậm chí gây án làm trầm trọng một mâu thuẫn người ta đã quên. 

Có thể lấy ví dụ như ở thôn Châu Giang,( xã Kon Gang, Đak Đoa, Gia Lai). Vừa rồi, người dân thôn Cẩm Bình chứng kiến thanh niên thôn Châu Giang với dao, rựa mã tấu kéo sang chém thanh niên thôn Cẩm Bình. Hậu quả, em Nguyễn Văn Tuấn (16 tuổi, thôn Cẩm Bình) bị chém tổng cộng 9 nhát khắp người. Hiện giờ sau khi đã được chạy chữa đến cả trăm triệu đồng nhưng Tuấn như người mất trí, không còn khả năng lao động.

Tấn công cả người thi hành công vụ

Có một thực tế là ở các làng quê hiện nay, đặc biệt là những vùng được bồi thường thu hồi đất, nhóm thanh niên nhàn rỗi, chơi bời lêu lổng, lại sẵn máu yêng hùng  nếu không được răn đe sẽ trở thành đối tượng phạm tội. Nếu xưng hùng xưng bá được một lần, lần sau các đối tượng này lại phạm tội với các tính chất mức độ nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết pháp luật nên các đối tượng này rất ngông nghênh và coi thường pháp luật, thậm chí còn chống trả cả lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Ngày 20-5-2011, anh Trương Văn Mão (SN 1987, thôn Úc Lý, xã Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Nội) làm thợ hồ cho một gia đình trong thôn Bạch Nao ở cùng xã, xong việc trên đường về nhà. Bất chợt, anh Mão bị một nhóm khoảng 7 thanh niên dùng xẻng và gạch chặn đánh ở đầu thôn. Bị thương tích nặng, quá hoảng sợ nạn nhân cố chạy vào trụ sở UBND xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, để trốn.

Nhận được tin báo về vụ việc, lực lượng CAH đã cử Thượng sỹ Vũ Xuân Hinh và Đại úy Nguyễn Nam Khánh xuống hiện trường. Khi hai đồng chí đang lấy lời khai của những thanh niên liên quan đến việc đánh anh Mão tại trụ sở công an xã, hàng chục thanh niên thuộc thôn Bạch Nao đã xông vào trụ sở xã Thanh Văn đập phá. Đạp đổ cửa phòng bảo vệ, nhóm thanh niên bị kích động dùng gạch, đá ném vào trụ sở Công an xã Thanh Văn hòng giải vây cho nhóm bạn. Manh động hơn, các đối tượng đã dùng gạch ném vào mặt Thượng sỹ Hinh gây thương tích 12% sức khỏe, Đại úy Khánh cũng bị thương tích 2%. Nhóm thanh niên này đã đánh tháo cho 7 đối tượng đánh anh Mão thoát thân, sau đó trốn khỏi nơi cư trú.