Con đỗ đại học bố quyết tâm cai nghiện ma túy

ANTĐ - Nguyễn Văn Quân (SN 1971, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã từng có thời gian ngập chìm trong ma túy. Ma túy đã khiến cuộc đời Quân trải qua đủ thăng trầm. Nhưng rồi anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời mình. Từ chỗ kiệt quệ vì “nàng tiên nâu”, đến nay anh đã có nhà cao, cửa rộng, có xe ô tô riêng, và quan trọng nhất là 2 đứa con đều ngoan ngoãn, học giỏi. Anh trở thành cái tên quen thuộc được nêu như một điển hình ở các kỳ cuộc, hội nghị về ma túy ở xã, ở huyện. 

Con đỗ đại học bố quyết tâm cai nghiện ma túy ảnh 1
Bán cả nồi cơm vì nghiện ma túy

Nguyễn Văn Quân vốn là một lái xe vững nghề ở một doanh nghiệp lớn, thu nhập cũng chả thua kém ai trong làng, ngoài xã, anh là trụ cột của cả gia đình. Công việc của anh thường xuyên phải chạy xe xuyên khắp Bắc - Nam, từ miền núi lên miền xuôi. Khoảng những năm 2000 ma túy như một cơn lốc quét qua làng quê của anh, đâu đâu cũng thấy người nghiện. Anh Quân cũng không ngoại lệ. Anh kể hồi đó làm lái xe, bao nhiêu năm chạy các cung đường Tây Bắc, là thủ phủ của ma túy.

Thế nên việc anh mắc vào ma túy cũng hết sức tự nhiên, lúc ấy cũng chưa ý thức được nó lại ảnh hưởng kinh khủng đến thế. “Mình lái xe hay phải thức đêm, mệt mỏi, thế nên anh em bạn bè rủ thử một lần, thấy khỏe người tỉnh táo thì cứ thế bập vào thành ra nghiện. Mới đầu không ai biết tôi nghiện, vì có tiền, có thuốc, vẫn béo khỏe, vẫn đánh xe đi về, ngay cả vợ con cũng không biết gì”. 

Thế rồi trong một lần kiểm tra sức khỏe, anh bị công ty phát hiện nghiện ma túy và cho nghỉ việc. Công việc mất, không có thu nhập lại bị lệ thuộc vào ma túy, gia đình bắt đầu sa sút không phanh từ đó. “Đã lệ thuộc vào ma túy thì trăm đường vất vả. Đầu tiên là cơ thể bắt đầu suy nhược, mệt mỏi, nhìn thấy việc là sợ, kinh tế thì không có, tài sản trong nhà cứ bán dần bán mòn để mua thuốc. Quan trọng nhất là mất lòng tin với tất cả mọi người, bố mẹ, vợ con không tin, bản thân mình cũng không tin mình nữa thì ai tin được” - anh tâm sự.

Cũng giống như tất cả những người nghiện ma túy khác, những lúc tỉnh táo, anh luôn đau đáu nuôi ý định cai nghiện. Nhưng rồi những cơn nghiện cứ đến rồi đi, anh vẫn ngày càng chìm sâu vào khói thuốc. Hồi ấy, vợ anh cũng không có công việc ổn định, lương được hơn triệu bạc phải một mình nuôi mấy miệng ăn, cả người chồng nghiện nghập, thế nên đã có lúc gia đình anh đứng bên bờ vực tan vỡ.

Anh kể: “Không có tiền hút hít, tôi cứ bán dần bán mòn đồ đạc trong nhà, từ những thứ thiết yếu nhất như cái quạt, cái nồi cơm điện cũng đem đi bán lấy tiền mua thuốc. Ai đời trời nóng như đổ lửa, mà trong nhà vợ con không có cái quạt. Có hôm vợ đi làm về, sờ đến nồi cơm điện cắm cơm thì chồng đã bán đi rồi, thế là vợ chồng cãi vã, động tay động chân”. 

Nếu không có con chắc giờ tôi đã chết

Điều anh ân hận nhất là hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi của mình, chỉ vì bố nghiện ma túy mà chịu bao khổ cực. “Hồi đấy 2 đứa đang tuổi ăn, tuổi học, một mình vợ tôi kham không nổi phải nhờ đến ông bà nội ngoại hỗ trợ nhưng cũng không xuể. Đến bây giờ nhiều đêm nghĩ lại tôi vẫn chảy nước mắt. Có những buổi hai đứa đạp xe gần chục cây số buổi trưa đi học về mà trong nhà không có cái gì ăn, hai chị em phải ăn chung một quả trứng gà”. 

Ấy vậy mà các con anh vẫn luôn học giỏi. Năm 2009, đứa con lớn của anh thi đỗ Đại học Hà Nội, và đây cũng chính là bước ngoặt giúp anh quyết tâm cai nghiện ma túy. “Hồi ấy tôi đang lái xe từ trong Nam, về đến Phan Thiết thì vợ gọi điện báo con đỗ đại học rồi. Nghe tin con đỗ tôi rời vô lăng, không lái xe nữa, suốt từ trong ấy ra cứ vật vã thuốc phiện rồi lại khóc. Nghĩ thương con quá, mình thế này mà con vẫn cố gắng học được như thế, thì có nên sống như thế này nữa không. Giờ nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn các con, nếu không có con chắc giờ tôi đã chết rồi”.

Ngồi bên cạnh, mẹ anh Quân rơm rớm nước mắt: “Nghe tin cháu đỗ đại học thì tôi khóc, mẹ nó khóc, thương cháu lắm mà không biết lấy đâu ra tiền đi học. Cháu đi học, một tuần liền phải ăn mỳ tôm, về đến nhà người xanh xao. Mẹ đi làm dành được đồng nào cứ đợi con về mới dám mua lạng thịt để bồi dưỡng cho con. Khổ lắm, tôi thì vì nó nghiện mà sinh ra đủ thứ bệnh, suốt ngày đi viện, khóc nhiều quá còn tưởng bị mù. Giờ nhìn con thế này mới thấy khỏe người đấy, bệnh nó đi đằng nào hết”.

Còn về phần anh Quân, khóc mãi, nghĩ mãi, cuối cùng anh đi đến quyết tâm cai nghiện bằng được. Về nhà, anh lập tức viết đơn xin đi cai nghiện gửi lên xã. Hồi ấy trời nóng như đổ lửa, nhiều người khuyên anh để thư thư đến cuối năm mát mẻ thì đi chứ lên trung tâm nóng nực rồi lại không chịu được. Thế nhưng anh vẫn quyết đi bằng được: “Tôi bảo với các anh trên xã là các anh cho em đi càng sớm càng tốt. Mùng 10 con nhập học thì 19 bố nhập trại cai nghiện. Tôi từng có ý định cai nghiện nhiều lần, nhưng chưa lần nào quyết tâm như thế, nghĩ con nó học giỏi như thế mà mình không làm gì được cho con thì ân hận suốt đời”.

Tất cả là ở nghị lực của mình

Bước chân vào trại cai nghiện, không như những người nghiện khác tìm cách chống đối, anh luôn nỗ lực để dứt được cơn nghiện. Anh Quân bảo nếu không có ý chí của mình thì không ai có thể bắt bớ người nghiện đi cai được, ở xã anh có người cai đến cả năm bảy lần mà vẫn nghiện hoàn nghiện, rồi thì chết khổ chết sở vì bệnh tật. Anh càng quyết tâm hơn, khi ngoài việc được vợ con, gia đình vẫn đặt niềm tin vào mình, thì chính quyền còn hết sức giúp đỡ để vợ con anh ở nhà đỡ khổ hơn.

Bà Nguyễn Thị Khắc, trưởng thôn 4 kể: “Hồi ấy tôi đưa gia đình anh Quân để xuất hưởng chính sách hộ nghèo, đưa ra bầu chọn người ta phản đối ghê lắm, họ bảo ai lại ưu tiên cho người nghiện. Tôi đấu tranh mãi, tôi bảo giờ trong nhà nó cái quạt không có mà dùng, giờ cháu nó lại nỗ lực phấn đấu học giỏi giang thế, không cho hộ nghèo thì làm sao cháu học được đại học bốn năm năm trời. Tôi quyết liệt bảo vệ, cuối cùng chính quyền xã nhất trí đưa gia đình vào hộ nghèo”.

Đây cũng là niềm động viên lớn giúp anh Quân quyết tâm cai nghiện. Anh bảo nếu mình không quyết tâm thì phụ lòng tin của mọi người quá, không chỉ phụ vợ con, cha mẹ, sự giúp đỡ của những người xung quanh, mà còn phụ công của Nhà nước. Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền, nuôi mình 2 năm trời có ít đâu, thế nên không thể để mình mãi trở thành gánh nặng của xã hội được. 

Tháng 9-2011, anh Quân rời trung tâm cai nghiện trở về nhà với 2 bàn tay trắng. Nhìn vợ con trong cảnh gieo neo, anh vò đầu bứt tai. Vốn không có, nghề ngỗng cũng không, chỉ có đám bạn nghiện nghe tin anh trở về là tìm đến rất nhanh. Nhưng anh vẫn kiên quyết, đời người chỉ được phép sa ngã một lần, không có lần thứ 2, vì nếu có lần thứ 2 sẽ không còn cánh tay nào dang ra với mình nữa. Xoay sở với nhiều công việc khác nhau, nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn.

Đầu năm 2012, có người cháu làm ở công ty bia đã gợi ý anh mở quán bia, anh suy nghĩ và quyết định vay vốn của bố mẹ, một số người bạn và sự giúp đỡ của người cháu để mở quán. Dần dà quán ngày một đông khách, anh xoay thêm nghề làm giò chả. Công việc vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng anh không nề hà gì, càng làm nhiều càng không có thời gian mà quan tâm đến những lời rủ rê của bạn nghiện khi xưa.

Cứ thế tích cóp, chẳng mấy chốc anh đã sửa lại được căn nhà khang trang, rộng rãi, mua được ô tô. Con gái ra trường cũng đã có việc làm ổn định. Anh chia sẻ rằng sự sa ngã nếu mình không quyết tâm thì sẽ cứ chìm dần chìm dần, nhưng một khi đã quyết tâm bằng mọi giá, thì sẽ bật lên rất nhanh. Anh vẫn lấy bài học của chính bản thân mình để động viên những người bạn nghiện, với mong muốn họ cũng sớm từ bỏ ma túy, trở lại với cuộc sống giống như mình.