Lạm dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc:

Coi chừng ngộ độc mãn tính

ANTĐ - Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai thời gian gần đâyliên tục cấp cứu các trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc kim loại nặng. Hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, sốt cao kèm nôn và đi tiểu ra máu. Thường gặp nhất là những bệnh nhân bị nhiễm độc chì trong quá trình đúc chì hay làm việc ở cây xăng (hít phải nhiều bụi chì bay hơi), hoặc bị nhiễm chì kéo dài do sử dụng nhiều thuốc nam không rõ nguồn gốc.

 Chẳng hạn như trường hợp một bệnh nhi ở Hà Nội nhập viện đầu năm nay, do thấy bé còi cọc, yếu ớt, da xanh xao, đi khám được chẩn đoán là thiếu máu nên gia đình đã cho trẻ uống thuốc cam (một loại thuốc nam màu đỏ) liên tục. Mặc dù vậy, trong suốt 2 năm cháu bé vẫn liên tục phải truyền máu và thể trạng vẫn rất còi cọc. Đến khi bé 4 tuổi, làm xét nghiệm tại Trung tâm Chống độc, gia đình mới biết bé bị nhiễm chì rất nặng, phải nhập viện điều trị.

Bên cạnh ngộ độc kim loại nặng do làm việc trong môi trường nguy cơ cao thì các trường hợp ngộ độc do ăn phải thực phẩm nhiễm kim loại cũng có xu hướng ngày càng tăng và đa phần gây ra ngộ độc mãn tính do lượng kim loại tích lũy lâu dài. Theo các chuyên gia, thực phẩm có thể nhiễm kim loại nặng từ các nguyên tố kim loại nặng tồn tại và luân chuyển trong tự nhiên, bị nhiễm trực tiếp trong quá trình sản xuất, bao gói hoặc cũng có thể bị ô nhiễm do việc sử dụng các nguyên liệu chế biến không tinh khiết, sử dụng các phụ gia thực phẩm có hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.

TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ngộ độc kim loại nặng có thể gây nên những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, đặc biệt là gan, thận, não, đường tiết niệu..., lâu dài sẽ gây tử vong. Điều đáng nói, ngộ độc kim loại nặng không có triệu chứng đặc biệt nên việc nhận biết sớm bệnh rất khó. Chỉ có thể khuyến cáo những người làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm kim loại cao, khi có các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, táo bón, thiếu máu… thì nên đi BV khám ngay để được chẩn đoán sớm. Mặt khác, nguyên nhân gây ngộ độc kim loại thường do những người làm trong môi trường có nguy cơ nhiễm kim loại cao không được bảo hộ lao động đầy đủ, đặc biệt là các công xưởng sản xuất, chế biến kim loại nhỏ, tự phát có điều kiện an toàn vệ sinh lao động kém, tình trạng lạm dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc… Do đó, để phòng bệnh thì cần thay đổi các điều kiện nói trên.

 TS. Phạm Duệ nhấn mạnh, các trường hợp trẻ em ngộ độc chì (do lạm dụng thuốc nam) rất nguy hiểm, vì không chỉ nhiễm chì trong máu, mà chì còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất, trí tuệ. Điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mãn tính kéo dài hàng năm trời, những di chứng về thể chất và trí não rất khó hồi phục. Vì vậy, cần tránh tình trạng sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị cho trẻ, nhất là các loại thuốc  tự pha chế, không rõ nguồn gốc, do các thầy lang thiếu chuyên môn bốc…