Cố tình “mũ ni che tai” để vu cáo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thêm một lần nữa, tổ chức nhân quyền Freedom House lại tự phơi bày dụng ý đen tối, xấu xa chống phá chế độ, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khi cố tình phớt lờ thực tế sống động tại nước ta để đưa ra những vu cáo, xuyên tạc về các vấn đề dân chủ và nhân quyền tại nước ta.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất Đông Nam Á và nằm trong Top 20 của thế giới

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất Đông Nam Á và nằm trong Top 20 của thế giới

Động cơ chính trị đen tối

Tổ chức nhân quyền Freedom House (tạm dịch Ngôi nhà tự do) có trụ sở tại thành phố New York của Mỹ mới đây đã công bố cái gọi là bảng chấm điểm chỉ số tự do của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, họ tự cho mình cái quyền để đưa ra các tiêu chí nhằm “chấm điểm” về những quyền tự do cơ bản, quyền con người của các quốc gia trên khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Trong báo cáo năm 2021 vừa công bố, Freedom House “chấm điểm” mức độ tự do của Việt Nam ở mức 19/100 điểm, tụt lùi 1 điểm so với báo cáo cũng của tổ chức này năm 2020. Theo đó, tổ chức này đánh giá Việt Nam ở mức 3 điểm về các quyền tự do chính trị và 16 điểm cho các quyền tự do dân sự, là quốc gia có điểm số áp chót Đông Nam Á. Trong đó, một chỉ số đáng chú ý như tự do Internet thì Việt Nam chỉ ở mức 22/100 điểm, đứng ở vị trí rất thấp ở khu vực, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Philippines...

Và chẳng khác nào trò “kẻ tung người hứng” như những năm trước, khi Freedom House vừa công bố “chấm điểm” mức độ tự do của Việt Nam, những “khuôn mặt quen thuộc” là các cá nhân, trang mạng nước ngoài thiếu thiện chí, chống đối Việt Nam liền “vồ lấy” khai thác triệt để những thông tin thiếu căn cứ, sai lệch, bóp méo này. Thôi thì đủ kiểu, từ đưa tin, phỏng vấn cho đến bình luận thêu dệt, “thêm mắm thêm muối” với một ý đồ xuyên suốt là xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Việc tổ chức Freedom House một lần nữa có cái nhìn thiếu thiện chí, không khách quan nếu không muốn nói là vu cáo Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền không làm mấy ai ngạc nhiên. Đó là điều mà tổ chức này đã từng làm nhiều năm qua và đều bị vạch rõ dụng ý xấu xa đằng sau của việc làm vu cáo Việt Nam.

Trước hết, cần nhìn lại lịch sử hình thành của Freedom House cho thấy rõ tổ chức này được sinh ra nhằm mục đích gì. Được thành lập năm 1941, tổ chức phi chính phủ đóng trụ sở tại thành phố New York này được tài trợ nhằm thúc đẩy đấu tranh dân chủ cực đoan tại các quốc gia trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào những quốc gia xã hội chủ nghĩa khi đó. Trong những năm 1940, Freedom House ủng hộ kế hoạch phát xít hóa và có chủ trương chống cộng điên cuồng.

Đến những năm 1980, Freedom House hậu thuẫn cho phong trào Công đoàn cực đoan ở Ba Lan rồi khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã lại chuyển trọng tâm sang can dự vào những quốc gia có chính thể “không hợp khẩu vị” của phương Tây. Freedom House bị cáo buộc đã can dự vào việc lật đổ chính quyền ở Serbia, Ukraine và Kyrgyzstan, Iraq, Syria…

Nhìn lại một cách xuyên suốt để thấy “rõ như ban ngày” động cơ chính trị của tổ chức Freedom House khi đều đặn mỗi năm công cái cái gọi là báo cáo về mức điểm “Tự do” của trên 200 quốc gia trên khắp thế giới. Với động cơ chính trị quá rõ như vậy thì làm sao Feedom House có thể khách quan, công tâm khi nhìn nhận, đánh giá về vấn đề dân chủ, nhân quyền của các quốc gia trên thế giới, nhất là khi quốc gia đó là mục tiêu chống phá xuyên suốt của tổ chức này.

Tự lộ mặt chống phá Việt Nam

Cũng giống như đánh giá, nhận định theo kiểu cố tình xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam của những tổ chức tự khoác lên mình chiếc áo “đấu tranh, bảo vệ dân chủ, nhân quyền” khác, sự vu cáo mới đây của Freedom House chẳng có chút giá trị nào. Bởi một điều rất đơn giản nhưng vô cùng thuyết phục là thực tế sáng rõ và sống động tại Việt Nam.

Mặc cho Freedom House cứ ra sức rêu rao từ năm nay qua năm khác là Việt Nam không có tự do, hạ thấp điểm cho việc thực hiện các quyền con người ở Việt Nam thì ngược lại các đánh giá của Liên hợp quốc, Tổ chức đa phương lớn nhất và uy tín nhất hành tinh, lại luôn coi nước ta như một điểm sáng về phát triển con người, trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội.

Có một chỉ số rất quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển của một quốc gia, đó là chỉ số phát triển con người (HDI). Trong báo cáo xếp hạng chỉ số HDI mới nhất của thế giới công bố cuối năm 2020 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên được Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đưa vào danh sách những nước có sự phát triển con người ở mức cao.

Trên thực tế, trong thời gian 20-30 năm qua, Việt Nam có sự tăng tiến rất mạnh về chỉ số phát triển con người, với tốc độ tăng trưởng khoảng 45-46%. Nếu như năm 1990, khi mới tham gia vào việc đánh giá chỉ số phát triển con người, Việt Nam mới đạt 0,48, một mức rất thấp. Trong xếp hạng mới nhất của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã được xếp vào danh sách những nước phát triển cao, trên mức 0,7.

Đạt được những thành tựu phát triển con người được Liên hợp quốc ghi nhận là nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước Việt Nam với sự đổi mới liên tục, đồng bộ cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn coi quyền con người, đúng hơn là việc phát triển con người, là trung tâm trong tiến trình phát triển ở Việt Nam. Thực tế, cộng đồng quốc tế luôn đánh giá tích cực Việt Nam trong vấn đề nỗ lực về bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người.

Nhìn vào thực tế phát triển và sử dụng internet tại nước ta càng thấy rõ hơn sự vu cáo đến trắng trợn của Freedom House về cái gọi là “chấm điểm tự do internet của Việt Nam”. Trái ngược với đánh giá cố tình “bôi đen” của tổ chức này, báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn thế, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với tỷ 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Theo số liệu của We are social, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 42 phút để vào Internet và 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày.

Vậy, không hiểu Freedom House dựa vào đâu, số liệu nào để “chấm điểm” Việt Nam đứng gần “chót bảng” tự do Internet ở Đông Nam Á? Họ cố tình “mũ ni che tai” trước những con số khách quan, thuyết phục để đưa ra số điểm rất thấp này nhằm mục đích gì nếu không phải là vu cáo, chống phá những thành quả phát triển ở Việt Nam, chống phá Việt Nam trong vấn đề dân chủ nhân quyền?

Lên tiếng về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của tổ chức Freedom House, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người.