Cổ tích tình yêu của một người mẫu sáng giá với một cô sinh viên trong trại giam

ANTĐ - Ngày cưới của Kim Quy cũng như bao người con gái khác, chị cũng mặc áo cô dâu, cũng trang điểm lộng lẫy, chú rể cũng comle, cavat, nhưng chỉ có điều đám cưới của chị được tổ chức trong trại giam bởi chị kết hôn với  một chàng trai đang thụ án tù chung thân ở trại giam Z30A. Đám cưới có một không hai này đã khiến người ta bàn tán xôn xao về  mối tình nhiều chông gai này. Thế nhưng, đã gần 8 năm trôi qua, dù những cuộc gặp của chị và anh chỉ là những lá thư tay, là những khoảnh khắc ngắn ngủi trong trại giam, nhưng chị đã chứng minh được hạnh phúc là điều có thực.

Mất mát lớn lao

19 tuổi, trong lúc chờ kết quả thi Đại học, cô gái trẻ Nguyễn Kim Quy hồn nhiên theo bạn vào CLB người mẫu quận Bình Thạnh đăng ký học cho vui. Trong buổi đầu ngây ngô ở lớp học ấy, cô gái mới lớn như chị đã bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp hào hoa của thầy giáo hướng dẫn. Kim Quy đã giành tình cảm cho người thầy  lúc nào không biết. Nhưng rồi, Kim Quy phát hiện “thần tượng” đã có bạn gái, và người con gái ấy cũng rất xinh đẹp, lại là con gái của một đạo diễn danh tiếng lúc bấy giờ. Nhìn họ tình tứ bên nhau, chị cũng thấy hơi chạnh lòng.

Sau đó có kết quả đã đỗ đại học, chị lên giảng đường Đại học Kinh tế và cũng không trở lại lớp người mẫu ấy nữa. Thế nhưng, dường như tình cảm đầu tiên với “thần tượng” vẫn cứ đeo đẳng chị. Chị cũng là cô gái có nhiều chàng trai cảm mến. Nhưng nhiều lúc chị cũng không thể cắt nghĩa được chính tình cảm của mình bởi hễ ai “có ý” với mình chị lại so sánh với anh và thường thất vọng vì họ không cuốn hút như anh.

Bẵng đi khoảng 3 năm. Một lần, ngồi chờ lấy ảnh chụp cùng cô bạn thân, chị vô tình cầm tờ báo lên xem và chị tưởng như đất trời sụp đổ ngay dưới chân mình, chị không dám tin vào mắt mình khi nhìn bức ảnh của “người ấy” – người mà chị vẫn luôn nghĩ đến với những tình cảm đẹp đẽ nhất được đăng trên tờ báo. Anh bị bắt về tội giết người. Điều khiến chị bàng hoàng nhất khi biết nạn nhân chính là người yêu của mình.

Không nhớ hôm ấy làm thế nào chị có thể về nhà được, chỉ biết rằng, khi gấp tờ báo lại, Kim Quy vẫn không dám tin đấy là sự thật. Lúc ấy, chị chẳng nghĩ được gì ngoài cảm giác mất mát lớn lao. Rồi chị lại tự an ủi mình “Hãy quên “người ấy” đi, anh cũng chỉ là một người tình cờ mình biết trong đời mà thôi”.

Từ lá thư đầu tiên

Nhưng thật trớ trêu, càng cố quên anh đi, thì chị càng nghĩ tới anh nhiều hơn. Khi hay tin anh thụ án tù chung thân, chị vẫn ngày đêm trăn trở, lo lắng không biết anh ấy giờ này ra sao, còn bố mẹ anh thế nào, chắc là họ vô cùng đau khổ. Nghĩ vậy, ngay hôm sau, chị chạy ngược xuôi tìm cho được địa chỉ nhà anh và viết thư an ủi bố mẹ anh. Lần đầu tiên trong đời, chị viết thư cho một gia đình hoàn toàn xa lạ nhưng tình cảm rất gần gũi,chân thành.

Lá thư ấy ra đi nhưng không có hồi âm. Kim Quy rất buồn với những chuỗi ngày dài hồi hộp chờ đợi. Chị biết rằng nỗi đau anh mang lại cho gia đình là quá lớn, dẫu rằng mỗi lời an ủi động viên là một niềm hạnh phúc nhưng bố mẹ anh lúc ấy không đủ can đảm để nhận sự sẻ chia, họ quá sốc trước tội lỗi mà con mình đã gây ra. Chị đã nghĩ rất nhiều nhưng vẫn quyết định gửi thư với không nhiều hy vọng có thư trả lời.

Lễ giáng sinh năm 2001, Kim Quy lại viết tiếp một lá thư nữa và gửi kèm 2 tấm thiệp, một tấm dành gia đình anh và một tấm gửi cho anh. Rồi bỗng một ngày, chị nhận được hồi âm của anh. Anh nói rằng rất cảm kích trước tấm lòng của chị. Khi mọi người luôn chĩa mũi vào anh với những lời lẽ cay độc thì lại có một người cảm thông với giây phút nông nổi, biết thông cảm và sẻ chia với anh. Chị hiểu hết những đắng cay anh đang phải gánh chịu, bi kịch anh đang gặp và không nhìn anh như một kẻ phạm tội. Sau lần đó, chị viết thư cho anh nhiều hơn, kể cho anh nghe cuộc sống của mình, những buổi học ở Giảng đường Trường Đại học Kinh tế, những buổi giao lưu hay chỉ đơn thuần là một buổi dã ngoại.

Nghe chị kể câu chuyện của mình, tôi cứ hình dung chị như một cánh chim không mỏi, bay đi khắp nơi và truyền nó qua những cánh thư để mang cuộc sống tươi đẹp kia vào trong trại giam nơi chỉ có những người phạm tội những bức tường lạnh lẽo và những song sắt vô hồn. Mỗi lần nhận được thư của chị, anh, một người tuyệt vọng luôn dằn vặt đau khổ về lỗi lầm của mình đã thấy yêu đời hơn để hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Định mệnh

“Lá thư nào mình cũng viết ngập ngừng, mơ màng như chờ đợi đoạn kết do anh điền tiếp viết thư, gửi đi, rồi lại thấp thỏm chờ đợi”, chị tâm sự. Làm mãi như vậy, đến một  lúc chị thấy nó như một phần không thể thiếu trong đời. Thư qua thư lại như vậy, rồi chị xin phép bố mẹ anh cho chị đi cùng lên trại giam. Cuộc trò chuyện lần đầu tiên không nhiều nhưng lại thắp lên trong trái tim người đàn ông tội lỗi ấy một niềm tin vào cuộc sống. Và từ đó, những buổi chị lên trại thăm anh ngày một nhiều hơn. Mỗi lần thăm anh trong trại giam, tình cảm trong chị lại nhân lên. Biết là yêu nhưng cả hai không ai dám nói. Anh thì tự ti về thân phận, nhất là khi anh lại phạm tội giết chính người yêu của mình. Còn chị nói ra lại sợ mọi người không tin, trong cuộc sống hối hả, vội vàng và cũng đầy thực dụng này, mấy ai dám tin vào một chuyện tình có lẽ chỉ có trong cổ tích: một sinh viên đại học yêu một anh phạm nhân trong trại giam. Chị hiểu hết những suy nghĩ của anh, cuối cùng Kim Quy viết một bức thư, kể cho anh nghe một câu chuyện không có đoạn kết. Rồi chị nhận được một lời cầu hôn.

 Nhưng điều khó khăn lại đến từ phía gia đình chị. Bố chị, người luôn tin tưởng, bênh vực quyết định của con gái, nhưng lần này ông phản đối- “Con đã hiểu thế nào là tù chung thân chưa? Bố không ghét cậu ấy, cũng không giận quá khứ nông nổi của cậu ấy nhưng lại không đủ bao dung để gả con cho người ấy được”. Đó là suy nghĩ và diễn biến tâm lý hoàn toàn dễ hiểu của đấng sinh thành. Chẳng có cha mẹ nào là không mong cho con mình được hạnh phúc bình yên. Và chị lại phải thêm một lần chứng minh tình yêu của mình, chứng minh sự hạnh phúc của mình với những người sinh thành ra chị.

“Đêm ấy, mình cầm bút viết thư cho bố mẹ. Và trong lá thư, một lần nữa mình khẳng định, ai trong đời cũng có một mong muốn lên xe hoa về nhà chồng, được chồng chia sẻ, yêu thương. Số phận mình đã được sắp đặt, đó là duyên nợ và mình đón nhận nó thôi. Nếu không được đồng ý, mình sẽ không lấy ai cả”. Và điều chị tin đã thành sự thật. Sau khi đọc thư của con gái, bố mẹ đã đồng ý cho chị kết duyên với anh.

Lên xe hoa một mình

Đám cưới trong tù diễn ra trong sự thông cảm của cán bộ trại giam. Kim Quy và chồng cũng có một lễ cưới trọn vẹn, cũng được mặc comle, áo dài và đưa dâu trong những giọt nước mắt xót xa của nhiều bạn tù. Nhưng mọi rắc rối bắt đầu xuất hiện khi bố mẹ Kim Quy bảo: “Nhất định phải có chú rể để bà con lối xóm và họ hàng biết con lên xe hoa”- Đến nước này, mọi người không biết phải xử lý ra sao? Chú rể đang ở trong tù, làm thế nào để xuất hiện ở nhà gái được. Mọi phương án đều được đặt ra, cuối cùng, gia đình hai bên quyết định, em trai chồng sẽ thay anh đưa chị dâu về nhà.

Đêm tân hôn, cô dâu ngồi một mình trong phòng cưới với đầy đủ đồ đạc do gia đình chồng chuẩn bị. Lòng quặn đau nhưng chị tự an ủi rằng “rồi anh sẽ trở về thôi”…

Cho đến bây giờ, cuộc hôn nhân của chị đã đi qua được gần 8 năm, nhưng chị vẫn luôn biết ơn em trai của anh. Chị nói rằng, để cuộc sống được như ngày hôm nay, ngoài những hy sinh mà bố mẹ chồng dành cho vợ chồng chị thì người mà vợ chồng chị luôn tri ân là em trai anh- người đã thay anh lên xe hoa đưa chị dâu về nhà chồng. Sau đám cưới 6 tháng, cậu ấy đã mất vì tai nạn giao thông. Sự ra đi của cậu ấy là một khoảng trống vô bờ mà cả gia đình chị chưa bao giờ quên được.

Món quà của số phận

“Mình tin rằng, mọi cuộc gặp gỡ của mình với chồng đều là do số phận”- Kim Quy chia sẻ. Những sự run rẩy tình cờ ấy đã cho chị món quà là hai đứa con đẹp như hai bức tranh. Gần 10 năm qua, không có anh bên cạnh, chị thiệt thòi hơn những người phụ nữ khác rất nhiều và các con chị cũng thế. Có những lúc đưa các con đi chơi, nhìn những đứa trẻ khác được ở trong vòng tay yêu thương của cả bố và mẹ, chị lại thấy chạnh lòng xót xa nhưng rồi lại an ủi mình “vài năm nữa anh về, mình cũng sẽ có hạnh phúc ngọt ngào như thế”. Hai con chị giờ đã lớn, cô con gái lớn trước đây vẫn không hề biết bố đang ở tù, nên mỗi khi ai hỏi bé lại bảo “bố con đi du lịch” hay “bố con đi công tác xa nhà”… Nay bé cũng lớn, sau mấy lần lên thăm biết bố đang ở tù, nhưng tình cảm mà bé dành cho bố vẫn không có gì thay đổi.

Chị cũng không quên nhắc đến bố mẹ chồng, những người yêu thương chị hết mực. Chị bảo “bố mẹ lúc nào cũng nghĩ mình thiệt thòi hơn người khác nên luôn động viên, an ủi. Ngoài những điều bất ngờ bố mẹ mang lại thì mỗi dịp cuối tuần hay nghỉ lễ tết, ông bà thường lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi xa. Đó là cách để mọi thành viên trong gia đình dành cho nhau những yêu thương và cũng giúp chị bớt tủi thân khi nghĩ về chồng.

Không có anh, đồng nghĩa với việc trách nhiệm của gia đình đặt lên vai chị tăng lên gấp hai lần. Nhưng khi nhắc đến anh, chị vẫn luôn kể với giọng tự hào “Anh ấy nấu ăn ngon lắm, nếu như may mắn được ân xá sớm để trở về với cộng đồng thì vợ chồng mình sẽ mở một cửa hàng ăn” .

Giờ đây ở trong trại giam Z30A, chồng chị trở thành một “thợ” chăn nuôi thứ thiệt. Anh đang cải tạo tốt để mong chờ ngày trở về. Chẳng ai tin được, một chàng người mẫu sáng giá lại có một định mệnh trớ trêu như vậy. Nhưng anh đang làm tất cả để làm lại cuộc đời, để sớm được trở về với gia đình nhỏ bé của mình. Và tôi tin điều đó.