Cơ sở y tế nếu không đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh BHYT thì phải hoàn trả chi phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nếu không đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh BHYT thì phải hoàn trả chi phí khám chữa bệnh…
Hà Nội siết chặt việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Hà Nội siết chặt việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 877/BHXH-GĐBHYT1 ngày 29/02/2024 về đảm bảo quyền lợi người bệnh và tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, để quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT; phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHXH thành phố Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phổ biến, quán triệt đến 100% cán bộ, nhân viên y tế về nội dung này.

Đặc biệt, Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT; phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại cơ sở. Đồng thời, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, chỉ định điều trị nội trú và lựa chọn sử dụng dịch vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

BHXH TP Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế phải chủ động rà soát, kiểm tra xác minh các chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao do cơ sở khám chữa bệnh tự phát hiện và theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan BHXH. Mặt khác, tự tổ chức kiểm tra, rà soát công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí BHYT hàng tuần để điều chỉnh những bất hợp lý trong chỉ định điều trị nội trú, chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật... đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Với việc đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế, BHXH Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT phải thực hiện đầy đủ, kịp thời để đáp ứng nhu cầu điều trị, không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

Trong đó, danh mục thuốc mua sắm phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu giữa các nhóm thuốc, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ thuốc biệt dược gốc, tăng cường sử dụng thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương.

“Trường hợp các cơ sở khám, chữa bệnh không đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người bệnh BHYT phải hoàn trả chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật” – BHXH TP Hà Nội yêu cầu.

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Phan Văn Mến tặng hoa phòng Giám định BHYT 1 và Giám định BHYT 2

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Phan Văn Mến tặng hoa phòng Giám định BHYT 1 và Giám định BHYT 2

Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội cũng đề nghị các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến thành phố tập trung khám, chữa bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; tư vấn cho người bệnh khám chữa bệnh đúng tuyến để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên…

Trước đó vào ngày 26-2, chúc mừng các Giám định viên của phòng Giám định BHYT 1 và Giám định BHYT 2 thuộc BHXH TP Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP Hà Nội đã đề nghị các Giám định viên BHYT phải phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.

Đề xuất sửa đổi Luật BHYT nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi người bệnh

Cũng liên quan đến nội dung này, Bộ Y tế vừa có Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, trong quá trình thực hiện Luật BHYT, đến nay đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Cụ thể, việc quy định hộ gia đình là "một nhóm đối tượng tham gia BHYT" chưa tương thích với việc phân nhóm đối tượng tham gia theo "trách nhiệm đóng BHYT ";

Một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khoẻ và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị…

Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả chưa sát thực tiễn đặc thù của Việt Nam;

Luật quy định việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp nhưng lại chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh đối với một số bệnh, trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… từ đó làm hạn chế đến quyền lợi của người tham gia BHYT và thủ tục chuyển tuyến không cần thiết;

Về mức đóng BHYT, theo Bộ Y tế, quy định mức đóng chưa cân đối với mức hưởng và phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT…

Theo Bộ Y tế, cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.