Có nhất thiết vào bằng được trường công?

ANTĐ - Chỉ còn 2 ngày nữa các thí sinh sẽ biết được kết quả thi vào lớp 10 , đồng thời cũng dự đoán khả năng có vào được trường công lập hay không. Tuy nhiên, vào trường công không phải là lựa chọn duy nhất nếu các phụ huynh tìm hiểu thêm các mô hình học tập khác phù hợp với nhu cầu, năng lực của con em mình.
Có nhất thiết vào bằng được trường công? ảnh 1

Hà Nội có nhiều mô hình giáo dục để giảm tải áp lực vào lớp 10 công lập

Không nên chấp nhận mọi điều kiện để vào công lập

Nhiều phụ huynh đang khá lo lắng khi đánh giá kết quả bài thi tuyển sinh vào lớp 10 của con mình vừa qua không tốt như mong đợi. Đề phòng trượt nguyện vọng 1, thông thường nhiều gia đình sẽ chọn cơ hội vào các trường tốp dưới có mức tuyển thấp hẳn để đăng ký nguyện vọng 2. Nhưng thực tế, các trường này có lượng hồ sơ khá lớn bởi nhiều người có cùng lựa chọn. Cùng với đó, điều kiện trúng tuyển nguyện vọng 2 yêu cầu kết quả thi của thí sinh phải cao hơn điểm chuẩn vào trường đăng ký 1,5 điểm cũng là thách thức không nhỏ.

Với nguyện vọng 3, theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 3 được khống chế ở số lượng nhất định và ưu tiên cho những thí sinh có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, 2. Những thí sinh muốn dự tuyển theo nguyện vọng 3 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 2 điểm. Việc duy trì cách thức này được kỳ vọng không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi về học tập cho thí sinh trên địa bàn, hạn chế tình trạng xáo trộn trong quá trình tuyển sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển cho các trường THPT trên địa bàn thành phố những năm tới. 

Thực tế, nhiều thí sinh chỉ vì mong muốn được học trường công nên đã chấp nhận đi học xa khi nhập học theo nguyện vọng 3, tuy nhiên chỉ sau một học kỳ, nhiều phụ huynh đã nhận ra những vấn đề phát sinh như sức khoẻ con cái bị ảnh hưởng, thiếu an toàn giao thông, không quản lý được con cái ngoài giờ học... Và phương án xin chuyển trường đã được các phụ huynh tính đến nhưng chính điều này lại gây xáo trộn cho cả nhà trường lẫn học sinh.

Nhiều mô hình trường chất lượng

Mặc dù thời gian nhận hồ sơ trúng tuyển của các trường THPT ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên là từ ngày 27-6 đến 20-7-2015 nhưng bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú -Đống Đa cho biết lượng hồ sơ trường phát hành đã lớn hơn nhiều lần chỉ tiêu được giao. Tương tự, các trường THPT Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm... cũng là những trường ngoài công lập có lượng thí sinh đăng ký rất lớn. 

Rút kinh nghiệm năm học trước, 20 trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính tuyển quá chỉ tiêu, năm nay  Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho phép một số trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập được tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tỷ lệ quy định. Theo đó, các trường được giao chỉ tiêu từ 5 lớp trở xuống được phép tuyển vượt chỉ tiêu từ 10 - 20%, các trường được giao chỉ tiêu từ 6 lớp trở lên được phép tuyển vượt không quá 10%.

 Tuy nhiên, Sở cũng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng các trường ngoài công lập bằng biện pháp kiểm tra chặt chẽ cơ sở vật chất… đồng thời kiểm tra kỹ cơ sở hai của trường để giao chỉ tiêu. 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết thêm, không chỉ những thí sinh trượt các nguyện vọng mà cả thí sinh vì lý do nào đó, không tham dự kỳ thi hoặc dự thi không đủ môn trong kỳ thi ngày 11-6 vừa qua vẫn còn nhiều cơ hội học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Theo đó, các em có thể học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Đây là chương trình học 11 môn với các hoạt động giáo dục như tại các trường THPT khác. Sau khi kết thúc 3 năm học, các em được cấp bằng THPT. Bên cạnh đó, các thí sinh còn có thể đăng ký dự tuyển tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.    

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh nếu thí sinh đã nộp hồ sơ trúng tuyển, nhưng lại có nhu cầu nhập học ở trường khác trên địa bàn thành phố hoặc sang tỉnh, thành phố khác. Đồng thời trong thời gian tuyển sinh lớp 10 không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của thí sinh, phụ huynh, kể cả việc tổ chức bán hồ sơ. Các trường THPT ngoài công lập phải công khai mức học phí và các khoản thu cả năm học tại địa điểm tuyển sinh để phụ huynh, thí sinh biết, thực hiện và cùng giám sát.