Có nên trục vớt soái hạm Moscow bị chìm trên biển Đen?

ANTD.VN - Truyền thông Nga cho hay, hiện có nhiều ý kiến đề xuất việc nên trục vớt soái hạm Moscow đã bị chìm trên biển Đen vào tháng 4/2022. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nói rằng đây không phải là giải pháp hay. 
Trang Avia cho biết, có nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn nên trục vớt soái hạm Moscow bị chìm vào tháng 4/2022.
Các ý kiến cho rằng, việc trục vớt soái hạm Moscow ngoài việc có thể sửa chữa để tái sử dụng, thì đây còn là thành ý tôn trọng những người lính đã thiệt mạng khi con tàu bị chìm.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi, đặc biệt về mặt kinh tế của việc trục vớt con tàu khổng lồ này.
Họ cho rằng, khi bị chìm, dưới áp lực của nước biển, rất có thể thân tàu đã bị phá hủy ít nhiều. Hơn nữa việc trục vớt một tàu chiến lớn như soái hạm Moscow sẽ cực kỳ tốn kém.
Ngoài ra khi nằm sâu dưới đáy biển hơn một năm trời, các hệ thống điện tử lẫn vũ khí hầu như đã bị hư hỏng hoàn toàn.
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của việc soái hạm Moscow bị chìm vẫn chưa được Nga công bố chính thức, bất chấp việc đối phương nói rằng, con tàu đã bị tên lửa diệt hạm bắn trúng và dẫn tới bị chìm.
Vài giờ sau vụ nổ lớn khiến soái hạm Moscow bị hư hại nghiêm trọng, Bộ Quốc phòng Nga đêm 14/4/2022 xác nhận soái hạm của Hạm đội Biển Đen này đã chìm trong quá trình lai dắt về cảng do điều kiện sóng lớn.

Được hạ thủy từ năm 1979 dưới thời Liên Xô, soái hạm Moscow là chiến hạm chủ lực thuộc lớp Slava của Hạm đội Biển Đen.

Soái hạm Moscow có độ choán nước khoảng 12.500 tấn, dài 196m, rộng 21m, được thiết kế với nhiệm vụ chính là tấn công các tàu mặt nước của đối phương bằng tên lửa chống hạm.
Vào những năm 1990, trong quá trình phân chia Hạm đội Biển Đen giữa Nga và Ukraine, phía Nga được nhận soái hạm Moscow.
Sau 2 lần nâng cấp, lần cuối cùng vào năm 2020, soái hạm Moscow được cải tiến để khai hỏa vũ khí chính là 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan có tầm bắn ít nhất 700 km.

Mỗi quả tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan có khả năng đánh chìm một chiến hạm cỡ lớn.

Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân 350 kiloton, tốc độ bay mach 2,5, được coi là một trong những vũ khí chống tàu sân bay hàng đầu hiện nay.

Đáng chú ý, tàu cũng được trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-300 Fort với khoảng 60 quả đạn, giúp nó bảo vệ nhóm tác chiến khỏi nguy cơ bị tấn công từ máy bay và tên lửa tầm xa của đối phương.
Soái hạm Moscow còn được trang bị một pháo hạm đa năng nòng kép AK-130-130mm, tầm bắn tối đa 23km chống lại các mục tiêu mặt nước, 15km chống máy bay, tốc độ bắn trung bình là 40 viên/phút.
Ngoài ra tàu còn được trang bị 6 pháo bắn siêu nhanh AK-630, có thể được thay thế bằng hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan.
Cùng với đó là 5 ống phóng ngư lôi kép 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000.
Đuôi tàu tuần dương hạm có bãi đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Ka-27.
Ngoài ta, soái hạm Moscow được trang bị pháo tự động và vũ khí chống ngầm cùng các hệ thống tác chiến điện tử.
Do là tàu chỉ huy của Hạm đội Biển Đen, soái hạm Moscow có vị trí nhất định và được Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm nhiều lần.
Năm 2000 và 2001, trong chuyến công du cảng Sevastopol, lúc đó được Nga thuê của Ukraine, ông Putin đã lên tàu cùng Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma.
Năm 2008, soái hạm Moscow tham gia chiến dịch của Nga ở nam Ossetia.
Tới giai đoạn 2015-2016, con tàu thực hiện nhiệm vụ phòng không từ hướng biển gần căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria và tới năm 2022, con tàu này đã bị chìm trên biển Đen.