Có nên “nới trần” đóng bảo hiểm xã hội để có mức lương hưu cao hơn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lương hưu được xác định dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, người lao động sẽ được hưởng lương hưu cao hơn khi đóng bảo hiểm xã hội với mức cao và tích lũy thời gian đóng dài. Cho nên, việc quy định trần đóng để không tạo ra chênh lệch quá lớn giữa những người cùng hưởng trong một quỹ.

Hơn 470 trường hợp có lương hưu trên 20 triệu/tháng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia. Do đó, trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều trường hợp người lao động có tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao và số năm đóng bảo hiểm xã hội dài nên khi nghỉ hưu có mức hưởng lương hưu khá cao.

Tính đến hết tháng 4-2023, cả nước có 471 trường hợp đang hưởng lương hưu từ 20 triệu đồng trở lên. Trong đó, người đang có mức lương hưu cao nhất cả nước với hơn 124 triệu đồng/tháng là ông P.P.N.T (cư trú tại TP.HCM). Trước khi nghỉ hưu, ông P.P.N.T là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của một công ty. Tháng 4-2015, ông T nghỉ hưu với mức lương hưu hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Sau 5 lần điều chỉnh lương hưu của Nhà nước, đến tháng 6-2023, mức lương hưu của ông T là 124.714.600 đồng/tháng.

Mức lương bình quân hiện nay là 5,6 triệu đồng/người/tháng

Mức lương bình quân hiện nay là 5,6 triệu đồng/người/tháng

Để có được mức lương hưu như hiện tại, ông T đã có trên 23 năm đóng bảo hiểm xã hội. Giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực tế (số tiền đóng bảo hiểm xã hội không bị giới hạn mức trần), mức đóng bảo hiểm xã hội của ông T rất cao. Có thời điểm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân của ông T là hơn 200 triệu đồng/tháng. Khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, đã quy định mức trần tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hoặc lương cơ sở).

Theo đó, từ tháng 1-2007 đến tháng 3-2015, ông T luôn đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất theo quy định, với mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 15,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, gần 2 năm trước thời điểm nghỉ hưu (mức lương cơ sở khi đó là 1,15 triệu đồng), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng của ông T là 23 triệu đồng/tháng.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các trường hợp có lương hưu cao đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực hưởng bằng tiền ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam ở mức cao (trước năm 2007) hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (từ năm 2007 trở đi).

Nên có mức sàn lương hưu để làm sao đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người về hưu

Nên có mức sàn lương hưu để làm sao đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người về hưu

Giới hạn trần đóng nên lương hưu thấp?

Trước câu chuyện ông P.P.N.T đang hưởng lương hưu hơn 124 triệu đồng/tháng, có ý kiến cho rằng họ sẵn sàng đóng bảo hiểm nhiều hơn để có lương hưu cao hơn nhưng không được do vướng quy định trần đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trần tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa từ ngày 1-1-2023 đến ngày 30-6-2023 là 29.800.000 đồng/tháng (từ 1-7 là 36.000.000 đồng/tháng do điều chỉnh lương cơ sở), không có mức áp dụng khác cho người có thu nhập cao hơn.

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trước năm 2007, khi chưa có trần lương tính đóng bảo hiểm xã hội, lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là công ty liên doanh với nước ngoài có mức đóng bảo hiểm xã hội rất cao. Tuy nhiên, nhóm được đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở lương cao không nhiều, chủ yếu người giữ vị trí chủ chốt, lãnh đạo của doanh nghiệp, còn đa số người lao động của doanh nghiệp cũng chỉ đóng theo lương cơ bản. Thực tế này dẫn tới sự so sánh, tạo cảm giác mất công bằng ở cả đóng và hưởng chế độ, và làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp. Trong khi quỹ Bảo hiểm xã hội bản chất là an sinh cơ bản, Nhà nước bảo hộ ở mức cơ bản. Do đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định mức trần lương tính đóng bảo hiểm xã hội cơ bản.

Báo cáo tổng hợp của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Trong đó có hơn 1 triệu người nhận lương hưu do ngân sách Nhà nước đảm bảo, với mức lương bình quân 4,6 triệu đồng/người/tháng; hơn 2,3 triệu người nhận lương hưu do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo, với mức lương bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng. Cơ quan này cũng đề xuất, từ ngày 1-7, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được điều chỉnh tăng bình quân 12%.

Tăng mức đóng thay vì bỏ trần

Để cải thiện mức tiền lương hưu của đại đa số lao động, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra đề xuất thay đổi cách tính khung tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, thay vì tính trên lương cơ sở, sẽ căn cứ theo lương tối thiểu vùng. Cụ thể, tiền lương tối thiểu làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bằng một nửa lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng 1), cao nhất bằng 8 lần lương tối thiểu vùng cao nhất. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, hiện nay số tiền đóng bảo hiểm xã hội của nhiều người lao động không phải đóng trên mức thu nhập mà chỉ đóng trên mức lương thỏa thuận tại hợp đồng, nên mức lương đóng thường thấp hơn mức thu nhập. Có tình trạng người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp “chẻ” nguồn thu nhập của người lao động để né mức đóng cao nhất.

Từ những lý do này dẫn đến chuyện lương hưu của nhiều người thấp, không đủ sống. Cho nên, dự thảo luật đề xuất quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

Về nội dung này, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài tổ chức công đoàn cần đóng vai trò để bảo vệ, ký được thỏa ước lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, trong đó phải ghi rõ mức thu nhập rõ ràng để đóng bảo hiểm xã hội. Người lao động cũng phải nâng cao nhận thức, hiểu rõ việc đóng cao hơn cũng chính là quyền lợi về sau của mình được tốt hơn. Còn theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nên có mức sàn lương hưu để làm sao đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người về hưu. Đây là chính sách không chỉ tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận nhiều hơn với lương hưu mà cũng góp phần giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.