Có một thời trẻ con Hà Nội đi sơ tán

ANTD.VN -  “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” Nuage Rose (Hồng Vân) đã tiếp cận đề tài chiến tranh theo góc nhìn rất hiếm:  góc nhìn của đứa trẻ 4 tuổi phải rời Hà Nội đi sơ tán. Cô dùng trái tim để viết về chiến tranh tàn khốc, nỗi sợ,  đói khát, khốn khổ đeo đuổi đằng đẵng... đã hiển hiện mà vẫn đầy ắp tình thân và đùm bọc người với người.

Tác giả Hồng Vân

Nuage Rose tên thật là Bùi Thị Hồng Vân, sinh năm 1960 tại Hà Nội, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt. Năm 1964, Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, cô bé Hồng Vân chỉ mới hơn 4 tuổi đã phải cùng gia đình rời căn nhà trên phố Triệu Việt Vương để về sơ tán tại Hải Dương.

“Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” có nhiều câu ngắn, các dấu câu được đặt liên tiếp như những bước chân hối thúc, dồn dập cuốn phăng cảm xúc người đọc vào chân thực: khoảng thời gian hơn 10 năm cô xa Hà Nội đi sơ tán (1964-1975). Đây là một cuốn tự truyện mang hơi hướm tiểu thuyết. Tác giả đứng ở ngôi thứ ba để kể và đặt điểm nhìn rất khéo.

Ngoài 3 nhân vật Mây: Mây Vàng, Mây Xanh, Mây Hồng trong truyện được gọi thân mật từ tên thật của 3 chị em gái: Kim Vân, Thanh Vân, Hồng Vân, có các nhân vật không được tác giả gọi tên cụ thể; tác giả gọi bằng danh xưng và viết hoa “Bố”, “Mẹ”, “Ông”... bằng cả niềm kính trọng và dâng trào tha thiết. Những tháng ngày sơ tán, cô phiêu dạt nay đây mai đó, bao góc khuất, đau khổ, nhớ nhung... nhưng may mắn bởi tình yêu thương máu mủ ruột rà, “Bố” và “Ông” như nguồn ánh sáng, chỉ bảo dẫn dắt cho cô bền bỉ học hành, giữ nền nếp nên người. Bởi vậy, cuốn sách như một tri ân cô muốn dành cho bố và ông ngoại của mình.

Góp lịch sử riêng bé nhỏ

“Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” như một miền ký ức đầy nhạc tính, dẫu ký ức bị bom đạn và khói lửa chiến tranh giăng mắc vây bủa: tiếng rú sắc, chói tai của máy bay do thám Mỹ không người lái; tiếng rú quen thuộc hơn là máy bay MIG của Liên Xô, chỉ xuất hiện khi nghênh chiến; tiếng vù trầm nặng và đe dọa của máy bay ném bom địch khi chúng vừa xuất hiện là cao xạ ta đã nổ rồi.

Dữ dội, thê lương nữa là miền Đông và Tây Nam bộ phải hứng một loại vũ khí tấn công của kẻ thù và bất lực nuốt trọn 72 triệu lít chất độc da cam; phương tiện sát nhân “bom bi” cắm luồn mọi chỗ, gặp ai cũng đâm vào... Vì thế, niềm vui khi toàn dân chiến thắng trở nên sáng chói, diệu kỳ và tự hào, rạng rỡ hơn bao giờ hết.

Cô và người thân đã như hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người Việt Nam vô danh hy sinh tiện nghi, bản thân và cuộc đời mình, góp lịch sử riêng bé nhỏ của mỗi người để viết nên những chương sử vĩ đại của đất nước.

Hồng Vân với nhiều thao thức và trăn trở. Cô thấy: “Nhiều khi rất lạ, khi đặt tay, đặt bút thì lại muốn viết cái khác, trong lòng nhiều xao động và nhiều tổn thương như rơi vào một hố đen, bỏ ra trút khỏi lồng ngực những đau đớn không muốn giữ.” Rồi khi vào mạch viết, hờn giận, tổn thương chẳng còn gánh nặng bằng tình yêu, sự dịu dàng. Hạnh phúc cứ thế tuôn trào dưới ngòi bút mà cô chẳng chủ tâm.

Lúc đầu, cô viết bằng tiếng Pháp cho chính mình đọc như “trị liệu tâm lý”, sau được gia đình, bạn bè khích lệ xuất bản. Tác giả chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi nghĩ cuốn sách được dịch ra tiếng mẹ đẻ và ra mắt ở nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi tôi rất yêu - Hà Nội”. Khi viết sách cô không tìm danh vọng, không kiếm tiền vì viết không phải là nghề của cô. Cô tìm thấy hòa bình, bình an trong tâm hồn. Đồng thời, trở lại đất nước Việt Nam mến yêu, trái tim cô yên ổn, ánh nhìn lại dịu đi, không còn ác mộng, ám ảnh chiến tranh.

Bìa sách “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo”

Vượt qua đói khát bằng ấm áp tình người

Điển hình của thiếu thốn, khó khăn đi sơ tán thời chiến là hầu như ngày nào cũng phải chịu đói, nhưng cô bé Hồng Vân trong truyện vẫn cảm nhận được sự chở che, niềm vui sướng từ những điều đẹp tươi trong cuộc sống. Bạn đọc sẽ ấn tượng, bị xúc động mạnh khi “Bố” “Mẹ” chuyên tâm công tác phục vụ kháng chiến phải gửi 3 Mây (ba chị em Hồng Vân) tới làng Yết Kiêu (1965), ở đây gia đình người nông dân nhận trông nom những đứa trẻ đã bớt đồ ăn.

Một ngày Hồng Vân quá đói khóc trong giờ học, nhân vật “Thầy” hiện lên như ông bụt trong cổ tích hỏi “Làm sao con khóc?” khiến cô bé ùa ạt nước mắt và có niềm tin vào lòng tốt. “Thầy” với sự quan tâm, đã góp phần cho tuổi thơ 3 Mây một cánh diều nâng tiếng sáo vi vu, một bắp ngô, một củ khoai buổi sớm, tuy không làm no được, nhưng tuổi thơ từ ấy mà thêm đủ tươi tắn, ngọt ngào.

Viết về quá khứ - những ẩn ức sống rất lâu trong tâm hồn - đói, cái đói thường trực réo gào, quặn thắt. Những từ “lương thực”, “thực phẩm”, “bánh đúc”, “thịt gà”, “cơm” như những thước phim đẹp đẽ... trong tiếng trẻ con da diết thèm muốn. Chúng đã được nuôi nấng, chia sẻ và thấu hiểu tình đời khi gặp được những người nông dân tốt bụng ở Tam Đảo, Cẩm Đông, Bình Giang cho ăn cùng, chăm sóc... Chúng được mỗi người đồng nghiệp của “Bố” chia một chút trong khẩu phần ăn, gom lại thành bữa.

Đi qua cái đói, nước mắt, mỏi mệt và vết thương, tới tận bây giờ, tác giả vẫn sẽ nhớ mãi lời “Bố” dặn như một cách sống kiên cường: “Cái đầu phải thắng cái thân, cần phải biết vượt qua những bất hạnh nhỏ và phải có gan chịu đựng chừng nào còn có thể chịu đựng được”.