Có một Nha Trang nguyên sơ và hoang dã

ANTD.VN - Dân phượt không mấy ai thích Nha Trang. Thành phố biển này đắt đỏ và xa xỉ, cảnh trí đẹp một cách tẻ nhạt trong mắt dân phượt, không còn gì để khám phá, giống như cô gái đẹp nuột nà hôm nào cũng đóng bộ cánh màu xanh chỉn chu ấy. 

Nha Trang dành cho những gia đình có con nhỏ ở mức trung lưu trở lên và khách Tây. Họ đi nghỉ dưỡng trong những resort 5 sao hoặc chí ít cũng ngụ lại một vài khách sạn 3 sao ven bờ biển, sáng tắm chiều bơi và ngược lại, tối đi ăn hải sản. Khách Tây muốn du lịch biển, tất phải đến Nha Trang, một trong những cảnh vịnh đẹp nhất thế giới, hòn ngọc của Biển Đông. Có lẽ vì thế mà Sân bay Cam Ranh là bến đậu thường niên của những chiếc máy bay Vladivostok. Khách Nga đến đây nhiều. Họ nghe danh “viên ngọc xanh” đã lâu và nay thỏa sức lặn biển ngắm san hô, đi dù bay, leo khinh khí cầu, đi cano, motor nước, chèo thuyền Kayak... 

Thuở nguyên sơ và hoang dã, Nha Trang chỉ là một bãi biển vốn đầy rừng cây và thú dữ 

Vừa lên đảo đã chạm mặt khỉ

Tôi leo lên một chiếc thuyền đi đảo Khỉ, thuộc vịnh Nha Phu. Vừa lên đảo đã chạm mặt khỉ. Khỉ chạy lúc nhúc khắp nơi. Khỉ trên đảo có nhiều tầng lớp, nhiều thành phần: Khỉ “nghệ sĩ” - biểu diễn xiếc trên sân khấu, có quần áo đẹp đàng hoàng, có xe đẹp để đi, có fan hâm mộ, chứ không khố rách áo ôm như khỉ lang thang; khỉ “giang hồ” - không sống trong rừng mà lang bạt khắp đảo, tính nết hung hãn, hành vi lưu manh chợ búa, sẵn sàng cướp bóc đồ của khách du lịch. Miếng ăn chưa đưa lên miệng có thể đã bị một con khỉ khác xồ đến giằng mất.

Chúng cướp mũ của khách rồi tót lên ngọn cây đội lên đầu ngồi vắt chân chữ ngũ. Chúng cướp máy ảnh trị giá cả nghìn đô la gí vào đôi mắt bé tí ra vẻ ngắm khẩu độ rồi vung vít chạy tới chạy lui khiến khổ chủ tim nảy thon thót. Điện thoại di động, xắc tay phụ nữ, ví tiền ấy là cứ cẩn thận. Khỉ giang hồ sẽ cướp hết rồi lục tung ra làm đồ chơi. Chúng chuyền từ cành nọ sang cành kia rình rập, lừa lúc khách du lịch lớ ngớ, sơ hở sẽ ra tay. Trên đảo cũng có một gánh xiếc khỉ, người huấn luyện tận dụng những chú khỉ có “thiên hướng nghệ thuật” trên đảo để đào tạo làm diễn viên xiếc. Sau màn xem xiếc khỉ, đi xe ngựa xem khỉ, cho khỉ ăn ngô..., thuyền lại rời bến để sang một hòn đảo khác.

Trên đảo Khỉ, thuộc vịnh Nha Phu (Nha Trang) có nhiều tầng lớp, thành phần khỉ như khỉ “nghệ sĩ”, khỉ “giang hồ”… 

Hòn đảo này có suối Hoa Lan, nằm trên tận đỉnh núi. Trước khi leo suối thì chúng tôi lại tiếp tục tour chăm lo động vật bằng cách cho hươu sao ăn đậu phộng, cho đà điểu ăn lá cây và voi ăn mía. Đã có sẵn nơi bán thực phẩm đóng gói dành cho chúng. Các dịch vụ liên quan đến đà điểu cũng rất phát triển.

Khách có thể thuê đà điểu châu Phi đã được đóng yên cương vững chãi để cưỡi một vòng quanh sân với giá 30.000 đồng. Đà điểu là giống chim khổng lồ có tốc độ chạy nhanh nhất trong các loài chim và nhanh thứ tư trong số các loài vật, chỉ sau báo Gepa, linh dương và ngựa. Biết thế nên ngồi trên lưng đà điểu lênh khênh tôi cũng hơi hãi. Nhìn khách tưng tưng trên lưng đà điểu, miệng la ó vì sợ hãi, khó mà nhịn được cười. 

Đứng ở nơi đẹp nhất thế giới

Ngoài cổng đã có sẵn dịch vụ chụp ảnh. Khách nhận ảnh cưỡi đà điểu oai vệ in bằng lụa mềm với giá 80.000 đồng xong sẽ được tiếp thị luôn món trứng đà điểu (200.000 đồng). Trứng đà điểu dài tới 20cm, nặng cả cân, được đóng hộp dán tem cẩn thận. Vỏ trứng rất dày và cứng, để cắt chỏm trứng phải dùng dao sắc cưa tiện khá lâu. Trứng đà điểu khi rán lên ăn khá dai, và cả đại gia đình ăn mới hết quả trứng. Vỏ trứng thường được giữ lại dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ.

Nghệ nhân sẽ điêu khắc tháp Rùa, hồ Gươm, rặng dừa Bến Tre trên vỏ trứng rồi lắp đèn rọi bên trong. Vậy là xong một tác phẩm nghệ thuật. Giá thành bán ra lại vài trăm nghìn đồng. Thịt đà điểu được mang ra nấu phở ở TP.HCM, làm cơm kẹp hamburger ở Hà Nội. Từ đầu đến chân đà điểu chẳng vứt đi chỗ nào: Dạ dày đà điểu đem sốt cam; chân đà điểu để hầm thuốc bắc; gan đà điểu đi nấu patê, thịt nạc lấy xào lăn, nấu canh sấu khoai sọ hoặc xay nhuyễn làm spaghetti; đầu thừa đuôi thẹo đưa vào nổi lẩu cho ngọt nước. 

Không nghĩ rằng đi biển mà cũng phải leo núi, tôi vẫn diện nguyên giày cao gót và xống áo thướt tha từ nhà. Lúc bắt đầu trèo, guide nản quá kêu lên “Liệu em có phải cõng chị lên núi không đấy?”. Tôi xua tay bảo không hề gì, lần trước tôi đã leo núi Hàm Rồng ở Sa Pa bằng đôi giày bảy phân này. Ì ạch mãi trong cái nắng như thiêu lúc chính ngọ, cuối cùng tôi cũng leo lên đỉnh ba ngọn thác ở suối Hoa Lan trên quãng đường luôn phải đu người như khỉ. Nhưng quả không uổng. Đỉnh thác nằm ngay trên mặt vịnh.

Eo núi thu hẹp lại thành một ô cửa sổ tam giác khổng lồ trông ra xanh biếc. Gió hiu hiu thổi thốc từ dưới vịnh khiến mồ hôi hanh hao mát lạnh. Đây là một trong những nơi đẹp nhất thế giới. Bạn sẽ tin là như thế nếu như bạn đứng trên đỉnh thác trông xuống vịnh Nha Phu. 

Bên trong thánh đường lộng lẫy

Từ thời xa xưa, người Việt truyền thống không có thói quen đi du lịch và nghỉ dưỡng. Cùng lắm ấy chỉ là đi vãn cảnh chùa. Chùa cũng không nên quá xa, chỉ bán kính trong vòng vài chục cây số. Thế nên cũng như viên ngọc bị vùi trong cát, Nha Trang đến giữa thế kỷ thứ XIX vẫn chỉ là dải cát hoang sơ cùng những vùng đồi núi nhan nhản thú dữ.

20 năm đầu thế kỷ XX, nằm trong quá trình thám hiểm và quy hoạch của Toàn quyền Đông Dương, cùng với Đà Lạt, Sa Pa, Bà Nà, Mũi Né..., Nha Trang mới trở thành một thị trấn nghỉ mát sầm uất dành cho người Pháp. Tên địa danh được đọc trại đi từ Ya Trang (Ea Trang), tiếng người Chăm nghĩa là sông Lau (sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay). 

Nếu chỉ long rong trên bờ, khách ngại sóng nước có thể chạy xe trên con đường ven biển để đến những công trình tôn giáo. Đi về phía Nam thành phố có chùa Long Sơn với bức tượng Phật trắng khổng lồ cao 21m trên đỉnh đồi Trại Thủy (1963). Xung quanh đài sen khảm chân dung 7 vị hòa thượng đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cũng ở khu vực lân cận là Nhà thờ Chánh Tòa (1928) nằm trên đường Thái Nguyên.

Đứng trước công trình kiến trúc kiểu Gotic, chợt thấy lòng bình yên dưới bầu trời luôn xanh ngắt, tạm quên đi thành phố ngoài kia với những bộ bikini rực lửa và những quán bar đêm quanh năm náo nhiệt. Bên trong khu vực thánh đường, lộng lẫy những bức tranh Thánh bằng kính màu và những vòm cuốn hoa văn tinh xảo. Xuôi về hướng Bắc có công trình biểu tượng của thành phố Nha Trang: Tháp Bà Po Ina Nagar. Ngôi đền nằm trên một quả đồi, được người Vương quốc Champa xây dựng trong thời kỳ Hindu giáo cực thịnh, vì thế tượng nữ thần Po Nagar có hình dáng của vợ thần Shiva với 10 cánh tay. 

Lần đầu tiên đến Nha Trang tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác rất đặc biệt khi được nghe thấy tiếng sóng biển vào ban đêm ấy. Sóng đánh ào từng cơn, hoang dại, cuồng nhiệt và dịu dàng. Thành phố biến mất, chỉ còn nguyên sơ và hoang dã của thuở hồng hoang, của cái thời Nha Trang vẫn chỉ là một bãi biển vốn đầy rừng cây và thú dữ.