Tại trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác:

Cổ đông đồng loạt tố Chủ tịch HĐQT

ANTĐ - Ra đời cách đây 7 năm và được đánh giá là một trong số những trường Trung cấp chuyên ngành Y-Dược uy tín, thế nhưng gần đây, các cơ quan chức năng đã nhận được đơn thư tố cáo sai phạm xung quanh hoạt động tài chính tại trường này.
Trường Trung cấp Y-Dược Lê Hữu Trác

Thiếu công khai minh bạch

Trường Trung cấp y dược Lê Hữu Trác được thành lập từ năm 2006 với đa số cổ đông sáng lập là giáo viên của Đại học y Hà Nội. Chính nhờ uy tín và chuyên môn cao nên ngay từ những ngày đầu đã thu hút được số lượng sinh viên khá lớn. Tuy nhiên đi vào hoạt động được vài năm thì nội bộ bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn giữa những người đã từng góp phần làm nên thương hiệu của nhà trường. Ông Lê Văn Khang, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội – người đóng góp công sức từ những ngày đầu thành lập trường Lê Hữu Trác cho biết: “Chúng tôi đều là những nhà giáo, việc đưa những “lình xình” của trường ra công luận thế này chẳng hay ho gì. Nhưng đây không chỉ là vấn đề quyền lợi mà còn là thương hiệu, danh dự của nhà trường và đội ngũ giáo viên nói chung. Không thể để những điều sai trái tồn tại lâu như vậy được”.

Trong những lá đơn mà ông Khang và các cổ đông gửi tới An ninh Thủ đô có nêu rõ: “Từ khi thành lập trường đến nay, bà Lê Thị Hồng Hoa – Chủ tịch HĐQT không hề có báo cáo tài chính theo đúng Luật Kế toán, không minh bạch trong công tác quản lý tài chính, không có quy chế chi tiêu tài chính. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng ngay cả sau Đại hội cổ đông vẫn không được Chủ tịch HĐQT công bố cho biết về bản kết luận kiểm toán cho các thành viên HĐQT. Trong khi đó tiền của nhà trường lại được để tại tài khoản cá nhân của bà Hoa. Bản thân chúng tôi hoàn toàn không biết tiền của nhà trường là bao nhiêu? Lợi nhuận mỗi năm là bao nhiêu? Ngay cả năm 2013 đến nay vẫn chưa có quyết toán tài chính và chia lợi tức. Đây là việc vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán và quy chế quản lý tài chính”.

Bà Mai Thị Huế - một cổ đông khác bức xúc: “Chúng tôi có hỏi, nhưng chưa một lần bà Hoa có báo cáo về danh sách cổ đông và cổ phần trước HĐQT. Một số tài liệu bà Hoa phát cho cổ đông có số liệu mâu thuẫn nhau, không có chữ ký hoặc chữ ký không hợp lệ. Hàng loạt các khoản tiền thu của sinh viên như học phí, bán sách, tài liệu học tập và các khoản thu khác không được đưa về trường mà bị đưa vào tài khoản riêng hoặc gửi tiết kiệm. Tất cả đều do bà Hoa tự chi rất tùy tiện không thông qua HĐQT. Trong khi đó, trong các năm 2006-2007-2008 bà Hoa huy động vốn và cấp sổ góp vốn cho cổ đông nhưng sau đó lại tuyên bố rằng đây là tiền đi vay và chỉ trả tiền lãi theo lãi suất ngân hàng chứ không trả theo cổ tức. Đó là điều vô lý”.

Cũng theo tố cáo của các cổ đông, quy định về việc góp vốn ban đầu là mỗi cổ đông không quá 400 triệu đồng. Tiền của bà Hoa ban đầu là 600 triệu đồng, nhưng có thời điểm bà Hoa khai hơn 3,3 tỷ hoặc 7 tỷ đồng. Vậy tiền đó ở đâu ra nếu không phải là chiếm dụng của nhà trường và cổ đông? – Bà Huế đặt câu hỏi. Theo quy chế tổ chức và hoạt động của Trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục phải có Ban kiểm soát, trong khi trường Lê Hữu Trác hoạt động nhiều năm mà không có ban này nên các cổ đông không biết gì về các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là về tài chính.

Cần các cơ quan chức năng vào cuộc

Mặc dù đầu năm 2014, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã có buổi họp giải quyết khiếu nại giữa bà Lê Thị Hồng Hoa và nhóm cổ đông có đơn tố cáo. Tại cuộc họp này bà Hoa đã xin lỗi cổ đông và hai bên hứa sẽ giải quyết nội bộ. Chính vì vậy, ngày 24-1-2014, đại hội cổ đông của trường Lê Hữu Trác mới tổ chức được và bầu ra HĐQT mới. Tuy nhiên, điều khiến cho các cổ đông tiếp tục có đơn tố cáo là do trước đại hội, bà Hoa hứa sẽ gửi kết luận kiểm toán cho các thành viên HĐQT, nhưng sau đó lại không thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Cường – Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Nguồn gốc của mọi mâu thuẫn và lình xình tài chính của trường Lê Hữu Trác là do công tác quản lý của HĐQT vô cùng lỏng lẻo. HĐQT họp mà không hề có nghị quyết thông qua, theo quy định thì 3 tháng HĐQT phải họp 1 lần, nhưng thực ra họ không hề họp hoặc rất ít khi họp. Từ nghị quyết mới ra được chính sách của nhà trường, huy động vốn cũng phải có nghị quyết. Thế nhưng mọi cái đều không có và Chủ tịch HĐQT đều tự quyết, tự làm một mình. Tôi cho chính vì lỏng lẻo như vậy mới dẫn tới sự lộng quyền”.

Cũng theo Phó Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội,  kể từ khi thành lập đến nay trường Lê Hữu Trác chưa lần nào gửi báo cáo tài chính đến Sở GD-ĐT dù đã có quy định các trường ngoài công lập phải có báo cáo tài chính hàng năm. Một điểm đáng chú ý là các cổ đông kiến nghị Hiệu trưởng nhà trường là bà Phan Thị Thu Anh hiện đã quá tuổi lãnh đạo theo quy định nhưng vẫn được đảm nhiệm công việc (độ tuổi quy định là 70 trong khi bà Thu Anh đã 71 tuổi). “Sở GD-ĐT chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Việc bà Thu Anh vẫn làm Hiệu trưởng thì Sở sẽ không công nhận kể cả trong trường hợp trường có văn bản đề nghị. Còn về vấn đề quản lý tài chính thì nhà trường sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, Sở GD-ĐT thấy không đủ điều kiện thụ lý giải quyết nên sẽ chuyển đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền” – ông Nguyễn Hữu Cường khẳng định.

Để làm rõ thêm những điều cổ đông tố cáo và đảm bảo có thông tin 2 chiều, phóng viên đã liên lạc làm việc với bà Chủ tịch HĐQT nhưng nhận được câu trả lời là bà Hoa đi Mỹ chưa biết bao giờ mới về. Tại buổi làm việc với Thanh tra Sở GD-ĐT, phóng viên cũng đã nhờ đích thân Phó Chánh thanh tra Sở GĐ-ĐT Hà Nội liên lạc với bà Hoa qua điện thoại, nhưng gọi nhiều cuộc đều không được bà Hoa bắt máy. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này khi có thông tin tiếp theo.