Có 4 phương pháp tính giá đất nhưng chưa bao giờ có giá chính xác, Luật sửa như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, nước ta đang áp dụng 4 phương pháp tính giá đất nhưng cũng chưa bao giờ có giá chính xác, đây là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”…
ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu về vấn đề định giá đất

ĐBQH Tạ Thị Yên phát biểu về vấn đề định giá đất

Bên cạnh vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất thì nội dung khác được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm nhiều nhất khi góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề về tài chính đất và định giá đất.

Tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sáng 7-4, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, nội dung về phương pháp xác định giá đất là vấn đề mà cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ đề cập đúng một câu về nội dung này và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Thơ cho rằng, để dự thảo Luật này đảm bảo tính khả thi và có hiệu lực cao, đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ các phương pháp định giá và các trường hợp áp cụ thể…

Cùng mối quan tâm, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề nghị cơ quan soạn thảo dự luật tiếp tục nghiên cứu tại Chương 11 về tài chính đất đai, giá đất. Theo bà Yên, dù đây là vấn đề khó, phức tạp nhưng phải làm kỹ để có thể xác định giá đất sát với giá thị trường.

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Yên bày tỏ còn băn khoăn với nguyên tắc xác định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nữ đại biểu cho rằng, nếu coi giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất như dự luật quy định, thì khó có thể chính xác, khó đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Lý do vì thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ, đầu vào của việc xác định giá đất.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý về định giá đất

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân góp ý về định giá đất

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng tán thành việc nên có 1 hội đồng thẩm định giá đất, đồng thời cần quy định rõ Chủ tịch của hội đồng này là Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và cơ quan chuyên môn về tài chính, về tài nguyên và môi trường là phó và các đại diện một số sở, ngành.

Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) góp ý, bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này…

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tài chính đất và định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết, từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại tố cáo…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Theo Phó Thủ tướng, quá trình xây dựng các Luật Đất đai trong suốt thời gian từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì tìm bài toán giải quyết tài chính đất đai, vấn đề giá thị trường. Mục tiêu đặt ra là định giá đất phù hợp với giá thị trường.

Phó Thủ tướng chia sẻ, với 4 phương pháp tính hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ có giá chính xác. Nguyên nhân là do thông số đầu vào không chính xác. Lần này dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thập giá đúng.

Phó Thủ tướng cũng nêu, để làm được điều này, người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng đúng giá giao dịch. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, cộng với có phương pháp tính đúng thì từ đó sẽ đưa ra giá trị chuẩn.

Thu hồi đất phải tạo điều kiện tốt hơn cho người dân

Trao đổi với các ý kiến về thu hồi đất đai, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng hà cho biết, Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cố gắng để lượng hóa được nội dung người dân bị thu hồi đất gồm cả đất sản xuất, đất ở có điều kiện sống (cả điều kiện ở và điều kiện sản xuất, có sinh kế…) phải đáp ứng được ít nhất bằng trước đây.

Ban soạn thảo dự luật quan niệm, người dân được đảm bảo đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế… Về chỗ ở có diện tích lớn hơn.

Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định quan điểm là phải tạo các điều kiện tốt hơn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục