- Đề xuất giao Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
- Quốc hội "chốt" nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế Giá trị gia tăng lên trên 200 triệu đồng
- "Lướt sóng" nhà đất, mua đi, bán lại liên tục có thể bị đánh thuế cao
Chuyển nhượng sim – số cũng cần nộp thuế
Theo Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, có 10 loại thu nhập thuộc diện chịu thuế, gồm: thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ nhận thừa kế; thu nhập từ nhận quà tặng.
Theo Bộ Tài chính, quy định trên về cơ bản phù hợp với thực tiễn tình hình KT-XH và các hình thức hoạt động trong đời sống dân cư, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế nói chung. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống KT-XH và các hình thức hoạt động kinh doanh mới đã phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài các loại thu nhập chịu thuế đã được quy định nêu trên và thường là các khoản thu nhập khác có tính chất đặc thù như thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền Internet, sim - số điện thoại...
Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, quyền tài sản này cũng có bản chất giống với một số khoản thu nhập không thường xuyên (thu nhập vãng lai) đang thuộc diện chịu thuế TNCN hiện nay như thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại...
|
Chuyển nhượng sim - số đẹp có thể sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân |
Qua rà soát kinh nghiệm của các nước, ngoài các loại thu nhập chịu thuế như quy định của Việt Nam hiện hành thì thường có quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính bao quát đối với các khoản thu nhập khác (hay thu nhập có tính chất bất thường) của cá nhân.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với tình hình thực tế) hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại...) là thu nhập chịu thuế.
Thừa kế tiền mặt cũng có thể phải chịu thuế
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất mở rộng phạm vi thu nhập từ thừa kế, quà tặng. Bộ Tài chính cho rằng, Luật thuế TNCN hiện hành mới chỉ quy định thu thuế đối với tài sản thừa kế, quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng mà không thu thuế TNCN đối với một loại tài sản thừa kế mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.
Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia đánh thuế thừa kế, quà tặng theo giá trị, bao gồm cả tài sản và tiền mặt. Như tại Thái Lan, tài sản chịu thuế thừa kế bao gồm bất động sản, chứng khoán theo quy định của pháp luật, tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc các loại tiền khác có tính chất tương tự, xe đã đăng ký và tài sản tài chính. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... quy định thuế TNCN đối với khoản thừa kế bao gồm tất cả tài sản được thừa kế.
Theo đó, để đảm bảo tính bao quát, công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với cùng một loại thu nhập, phù hợp với pháp luật dân sự hiện hành về thừa kế và các hình thức thừa kế, Bộ Tài chính cho rằng cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập từ thừa kế, quà tặng tại Luật thuế TNCN cho phù hợp với thực tiễn.