Chuyện nghề của nữ chiến sĩ giữ vai trò then chốt trong hành trình phá án

ANTD.VN - Dù không trực tiếp “đánh” án như lính hình sự nhưng để đáp ứng các yêu cầu phá án khẩn cấp thì áp lực, cường độ công việc của những nữ chiến sĩ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, CATP Hà Nội đang phải đối mặt không hề đơn giản.

Công việc của cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, CATP Hà Nội nhìn bề ngoài tưởng như chỉ đơn thuần là việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhàn hạ, thích hợp với phụ nữ. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến công việc của cán bộ phòng này, những suy nghĩ trên chắc sẽ thay đổi. 

Chuyện nghề của nữ chiến sĩ giữ vai trò then chốt trong hành trình phá án ảnh 1Ngoài công tác chuyên môn, Trung úy Phạm Thị Hạnh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào

“Nghề” của sự tỉ mỉ, tra cứu chính xác

Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Trung úy Phạm Thị Hạnh đã có nhiều thành tích nổi bật trong công tác nghiệp vụ, giải quyết kịp thời các yêu cầu tra cứu của cơ quan, công dân, bảo vệ chính trị nội bộ, phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự Thủ đô. 

Gặp Trung úy Phạm Thị Hạnh giữa những bộn bề của các chồng hồ sơ, giấy tờ, chị chia sẻ, công tác hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đóng vai trò then chốt trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh việc tập hợp, lưu trữ, khai thác thông tin, tài liệu cơ bản về hồ sơ, đối tượng; phản ánh về công tác điều tra, nghiên cứu, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, CATP Hà Nội còn lưu trữ danh bản, chỉ bản, phim, quản lý thông tin cơ bản về căn cước, tiền án, tiền sự thông tin diễn biến của các đối tượng vi phạm pháp luật.

Nói về quá trình thực hiện công tác chuyên môn, Trung úy Phạm Thị Hạnh tâm sự, việc cấu tạo, sắp xếp hồ sơ tưởng chừng như đơn giản, ai cũng có thể làm được, nhưng trong những trường hợp cụ thể, người làm công tác hồ sơ phải vận dụng nhiều kỹ năng nghiên cứu, phân tích hồ sơ. Những sai lệch về tên, tuổi, năm sinh, bố mẹ và địa chỉ được các nữ cán bộ đơn vị tỉ mỉ nghiên cứu, xác minh qua nhiều tài liệu để có câu trả lời chính xác nhất cho các đơn vị nghiệp vụ. Đóng góp thầm lặng của những cán bộ làm công tác hồ sơ đã giúp không ít trường hợp tội phạm bị lật tẩy.  

Làm việc vào ngày nghỉ, đêm khuya… là chuyện thường

Do đặc thù công việc nên đa số cán bộ chiến sĩ của đơn vị là nữ. Trong đó, nhiều chị em đang ở độ tuổi xây dựng gia đình và nuôi con nhỏ. Đối với phụ nữ, điều quan tâm hơn cả là một gia đình hạnh phúc và có thời gian chăm sóc những đứa con. Nhiều người nghĩ rằng công tác hồ sơ phù hợp với phụ nữ vì khá nhàn hạ. 

Tuy nhiên, có làm việc trực tiếp mới thấy những vất vả, khó khăn áp lực về công việc đòi hỏi mỗi nữ chiến sĩ phải thực sự yêu ngành, say nghề mới gắn bó được. Bởi lẽ, công việc không chỉ làm trong giờ hành chính mà còn phải tham gia làm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ như thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết, hay giữa đêm khuya để đáp ứng yêu cầu khẩn cấp của các đơn vị trong CATP và Bộ Công an.

Chuyện nghề của nữ chiến sĩ giữ vai trò then chốt trong hành trình phá án ảnh 2Trung úy Phạm Thị Hạnh, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát tra cứu hồ sơ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Cống hiến bằng nhiệt huyết về tình yêu nghề

Bận rộn với công việc chuyên môn là thế, nhưng Trung úy Phạm Thị Hạnh vẫn dành thời gian tham gia đầy đủ, nhiệt tình các phong trào, hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Là Phó Bí thư Chi đoàn Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, CATP Hà Nội, chịu trách nhiệm chung về công tác Đoàn và phong trào thanh niên của đơn vị, Trung úy Phạm Thị Hạnh luôn tích cực tham mưu, xây dựng các chương trình kế hoạch triển khai hiệu quả các phong trào thi đua.

Trong năm 2017, hưởng ứng các Cuộc thi viết “Tìm hiểu 90 năm tác phẩm “Đường Kách mệnh” và 70 năm cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015”, “Tuổi trẻ Công an Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”..., Trung úy Phạm Thị Hạnh đã tham gia và đạt 1 giải Nhất, 1 giải Ba, được Bí thư Thành đoàn Hà Nội tặng Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội và Bí thư Đoàn Thanh niên CATP Hà Nội tặng Giấy chứng nhận.

Tháng 3-2018, Trung úy Phạm Thị Hạnh cũng trực tiếp tham dự Hội thi Sân khấu hóa “Tuổi trẻ Công an Thủ đô học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND” nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948/11-3-2018)... Đoàn Thanh niên Cụm thi đua số 3 đạt giải Nhì chung cuộc, giải Nhất phần thi hùng biện và đã được Giám đốc CATP Hà Nội tặng Giấy khen.

Trung úy Phạm Thị Hạnh chia sẻ, trải qua thực tế công tác và dưới sự chỉ bảo tận tình của các đồng chí chỉ huy đơn vị những nữ chiến sĩ cảnh sát Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát ai cùng tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu nghề. Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, “những cô  Tấm hồ sơ” luôn chủ động phát huy giá trị đạo đức, rèn luyện chuẩn mực “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

“Trải qua thực tế công tác và dưới sự chỉ bảo tận tình của các đồng chí chỉ huy đơn vị, những nữ chiến sĩ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, CATP Hà Nội ai cùng tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu nghề. Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, “những cô Tấm hồ sơ” luôn chủ động phát huy giá trị đạo đức, rèn luyện chuẩn mực “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.

Trung úy Phạm Thị Hạnh (Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát, CATP Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục