64 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2018) kỳ 2:

Chuyện lạ trong chiến tranh – địch chiếm vị trí trọng yếu lại là thời cơ chiến lược cho ta

ANTD.VN - Hội nghị cán bộ phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch Đông Xuân 1953-1954 được Bộ Tổng tư lệnh triệu tập ngày 19-11-1953, tại Đồng Đau, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Cán bộ từ các chiến trường, trừ Nam bộ quá xa, đều có mặt. Lâu lâu lại mới có cuộc họp đông đủ thế này. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng. Mỗi người mang về đây hơi hướng của cuộc chiến đấu gian lao và anh dũng trên từng chiến trường. Đêm khuya, những cuộc chuyện trò vẫn râm ran các khu lán...

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thay mặt Tổng Quân ủy trình bày chủ trương quân sự Đông Xuân của Trung ương nhằm phá kế hoạch Nava.

Mấy ngày trước đó, Cục 2 (Cục Quân báo) nhận được tin địch đang điều động tập trung các đơn vị nhảy dù... Hội nghị họp sang ngày thứ hai thì trinh sát từ Phú Thọ báo cáo về phát hiện nhiều tốp máy bay kể cả máy bay vận tải, bay về phía Tây Bắc. Ngày 19, bộ phận đi chuẩn bị chiến trường ở Tây Bắc điện về, máy bay trinh sát địch lượn trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Đảng ủy chiến dịch biên giới 1950, đồng chí Hoàng Văn Thái ngồi hàng trên

Tối 20, Bộ Tổng tư lệnh nhận được tin một số tiểu đoàn dù của Pháp đã nhảy xuống Điện Biên Phủ. Tại đây, trong thời gian này chỉ có một tiểu đoàn cùng với trung đoàn bộ của Trung đoàn độc lập 148 đang đóng quân. Cuộc hội ý Tổng Quân uỷ được triệu tập ngay.

Cùng với Tổng Quân ủy, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nhận định: Địch đã phát hiện Đại đoàn 316 đang tiến quân lên Tây Bắc. Chúng cảm thấy Lai Châu và thượng Lào bị uy hiếp, nên đưa một bộ phận lực lượng lên Tây Bắc đối phó.

Cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo cũng đã dự kiến: nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng này, hoặc đánh rộng ra vùng tự do để phá cuộc tiến công của ta. Cần xúc tiến nhanh việc đánh Lai Châu, không để cho quân địch đóng ở Lai Châu co về Điện Biên Phủ.

Ngay đêm hôm đó, một bức điện khẩn được gửi cho Đại đoàn 316 đang trên đường hành quân: "Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta, tình hình căn bản có lợi cho ta... Nắm cơ hội tốt, tạo cơ hội tốt để tiêu diệt địch".

Mệnh lệnh quy định Đại đoàn 316 tổ chức thành những tiểu đoàn hành quân cho nhanh, chậm nhất ngày 6-12-1953 phải có mặt ở Tuần Giáo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho các đại đoàn chủ lực đánh Điện Biên Phủ - Đồng chí Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đứng ở vị trí ngoài cùng bên phải  

Ngày 21, bộ phận tiền trạm của Bộ Tổng tham mưu đi trước bằng ô tô lên Tây Bắc bố trí Sở Chỉ huy tiền phương. Bộ Tổng tư lệnh thông báo cho các đại đoàn sẵn sàng lên đường chiến đấu. Riêng Đại đoàn 304 (thiếu một trung đoàn) ở Thanh Hóa, được lệnh hành quân ngay lên hướng Tây Bắc làm nhiệm vụ nghi binh, rồi bí mật luồn rừng quay về Phú Thọ. Ta dự kiến nếu tiếp tục điều nhiều đại đoàn lên Tây Bắc, địch có thể tiến công ra vùng tự do để kéo quân ta về.

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cùng Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc trực tiếp với các đồng chí Hoàng Sâm - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Trần Quý Hai - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 325, cụ thể hóa nhiệm vụ và hoạt động trên chiến trường trung, hạ Lào.

Ở hướng này chưa diễn ra hoạt động quân sự lớn, nên kẻ địch sơ hở và chủ quan. Bộ đội ta và Quân giải phóng Pathét Lào mở cuộc tiến công có thể tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng trên đất bạn.

Chỉ huy các chiến trường đều phấn khởi nhận nhiệm vụ, tuy biết Đông Xuân này sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh Liên khu V tỏ vẻ băn khoăn. Liên khu V đã được phổ biến tin mùa khô này địch sẽ đánh chiếm các tỉnh tự do ở đồng bằng, sợ khi trở về khó thuyết phục Liên khu ủy nhất trí với chủ trương đưa đại bộ phận bộ đội chủ lực lên Tây Nguyên, chỉ để lại một bộ phận nhỏ cùng với dân quân du kích đối phó với quân địch. Đây là vấn đề tâm lý không dễ giải quyết.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái trao đổi phương án tác chiến

Đảng bộ và lực lượng vũ trang Liên khu V vốn có truyền thống gắn bó chặt chẽ với dân. Bây giờ địch tới mà bộ đội chủ lực lại không có mặt! Nhưng Bộ Chính trị đã tính toán kỹ, mở cuộc tiến công lên Tây Nguyên là cách tốt nhất để bảo vệ vùng tự do Liên khu V. Bộ Tổng tư lệnh đã bàn với đồng chí Nguyễn Chánh cố gắng làm cho Liên khu ủy thông suốt chủ trương này.

Căn cứ ý kiến tham mưu của đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, trong buổi kết luận hội nghị ngày 24-11-1953, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kết luận:

“…Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dù ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước của ta là: nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là trước sự uy hiếp của ta địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, che chở cho thượng Lào và phá vỡ kế hoạch tiến công của ta...”

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng cùng Bộ Tổng tham mưu suy nghĩ, tính toán, báo cáo Đại tướng Tổng tư lệnh:

1. Rồi đây, tình hình địch có thể biến hóa như thế nào?

2. Chúng có thể vừa giữ Điện Biên Phủ vừa giữ Lai Châu, một nơi chính, một nơi phụ, có thể lấy Điện Biên Phủ làm chính.

3. Nếu bị uy hiếp, chúng có thể co về một nơi và tăng viện thêm một phần; cũng chưa nhất định co về nơi nào, nhưng khả năng co về Điện Biên Phủ nhiều hơn.

4. Nếu bị uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến thành một tập đoàn cứ điểm, trong trường hợp này chúng có thể lấy Điện Biên Phủ làm nơi thiết lập trận địa. Nhưng chúng cũng có thể rút.

5. Vô luận rồi đây địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta…

Không khí hội nghị phấn chấn hẳn lên. Mọi người vui mừng, xôn xao. Kể cũng là một hiện tượng mới trong chiến tranh: khi kẻ thù chiếm thêm một vị trí chiến lược quan trọng của ta thì chúng ta lại cho đây là cơ hội tốt đã đến.

Chưa báo cáo công việc vì Đại tướng còn ngủ ngon giấc…

Mong mỏi của ta là địch sẽ ở lại Điện Biên Phủ. Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã hoàn thiện phương án đánh Điện Biên Phủ, chỉ chờ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tới nơi để thông qua...

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng suy nghĩ mãi, trận đánh này ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực trong tám năm kháng chiến đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi. Từ năm 1950 bắt đầu mở chiến dịch lớn tới mùa xuân này, vẫn là những đơn vị ấy, những con người ấy. Bộ đội lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng mà còn phải giữ được những vốn quý cho cuộc chiến đấu lâu dài.

Khi Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái tới, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng vừa lên tới sở chỉ huy ở Điện Biên. Đường xa mệt nhọc, khó khăn vất vả, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngủ thiếp đi lúc nào không biết...

Chợp mắt được một lúc, thức giấc, thấy đồng chí Tổng tham mưu trưởng đang ngồi hút thuốc lá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi:

- Anh tới lâu chưa?

- Cũng chưa lâu. Thấy anh ngủ ngon không muốn đánh thức.

- Liệu địch có rút Điện Biên Phủ không?

- Chắc là không. Chúng vẫn tăng quân và tiếp tục củng cố công sự.

Nghe báo cáo của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cảm thấy mừng.

Tổng Tham mưu trưởng báo cáo với Đại tướng Tổng tư lệnh về việc Điện Biên Phủ có một cánh đồng khá rộng nhưng vẫn nằm giữa địa hình rừng núi thuận lợi cho ta. Bộ đội đã tập kết chung quanh Mường Thanh. Lúc này địch không thể rút lui mà không có thiệt hại. Địch ở Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập về đường bộ, giao thông, vận tải, tiếp tế đều trông vào máy bay.

Lực lượng địch ở đây có chín tiểu đoàn (về sau ta mới biết vào tháng 1- 1954, địch đã có 11 tiểu đoàn). Chúng đã ra sức xây dựng công sự, nhưng chỉ mới làm được những công sự dã chiến. Một số mặt của tập đoàn cứ điểm còn sơ hở. Về phía bộ đội ta, các đơn vị đều sung sức, tinh thần chiến đấu lập công rất cao…

Bản sơ đồ tập đoàn cứ điểm trải rộng. Lần đầu tiên Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhìn thấy những vị trí địch dày đặc đến như vậy. Từ nhiều phía, nhất là phía tây, muốn tiếp cận đều phải vượt qua cánh đồng rộng. Riêng phía đông, tập đoàn cứ điểm là rừng núi nhưng đã bị án ngữ bằng một loạt vị trí nằm tiếp giáp nhau trên những mỏm đồi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái:

- Hiện còn phải giải quyết những vấn đề gì?

- Đang sửa gấp đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đường này trước đây chỉ là đường dùng cho ngựa thồ và đã bỏ lâu ngày. Sửa xong đường đưa pháo vào vị trí là có thể nổ súng.

- Ý kiến các đồng chí chỉ huy đại đoàn như thế nào?

- Bộ đội rất phấn khởi vì lần này có cả đại bác 105 ly và pháo cao xạ.

Đại tướng nói với đồng chí Tổng tham mưu trưởng: "Có thể tập kết pháo và cao xạ ở Tuần Giáo, nhưng phải đưa thật nhanh toàn bộ Đại đoàn 312 vào đội hình bao vây quân địch. Cần giữ quân địch ở Điện Biên, không để tái diễn trường hợp Nà Sản!"…

Cuộc chia tay các nhà báo quốc tế trong đêm trăng Điện Biên và câu chuyện về người tham mưu trưởng nhường ngựa cho chiến sỹ…

Ngày 14-1-1954, mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt. Trên sa bàn lớn là các đồng chí: Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm cung cấp chiến dịch, Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng 308, Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng 312, Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351, cùng nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã cùng chiến đấu qua rất nhiều chiến dịch.

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) trong lần thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2007 và được Đại tướng ký tặng Tổng tập hồi ký, nguồn tư liệu quý báu cho bài báo này

Một số nhà văn, nhà báo những nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng theo bộ đội đi chiến dịch. Vì thời gian chuẩn bị kéo dài, đã tới lúc họ phải trở về nước. Buổi tối hôm đó, đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm chính trị chiến dịch báo cáo Đại tướng để gặp các bạn nhà báo quốc tế trước khi ra về.

Cơ quan chính trị căng một chiếc dù hoa chiến lợi phẩm bên dòng suối lấp lánh ánh trăng làm nơi tiếp khách.

Nhà văn Ba Lan nói:

- Thiên nhiên của các đồng chí đẹp quá. Khung cảnh thật là thanh bình.

Lúc này không có tiếng đại bác. Dưới ánh trăng, những mỏm núi đá nhấp nhô, mờ ảo.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói:

- Tôi cũng thấy phong cảnh ở đây rất đẹp. Tôi không phải nhà thơ nhưng cảm thấy cảnh này thật nên thơ. Chúng tôi là sắp chiến đấu chính là để cho khắp đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay.

Đồng chí nhà báo Tiệp Khắc nhận xét:

- Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi không thấy có sự cách biệt nào giữa vị tướng với người lính.

Nhà báo Tiệp khắc kể lại sáng hôm nay, anh rất xúc động khi trên đường lội dọc suối vào Sở Chỉ huy đã nhìn thấy đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng - Tham mưu trưởng chiến dịch nhường ngựa cho một chiến sĩ đau chân, xách giày trong tay cùng lội suối với mọi người.

Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đáp lời: “Quân đội chúng tôi như vậy. Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ giữa những người đồng chí, những người bạn chiến đấu”.

Cuối buổi gặp, đồng chí nhà văn Ba Lan hỏi bằng một giọng vừa lưu luyến vừa băn khoăn: "Các đồng chí sắp đi chiến đấu còn chúng tôi thì sắp lên đường trở về nước. Tôi muốn đề nghị đồng chí Tổng Tư lệnh cho biết sau đây chúng tôi sẽ nhận được tin gì về Điện Biên Phủ?"

Đại tướng trả lời: "Hoặc là các đồng chí sẽ không nhận được tin tức gì về Điện Biên Phủ, nhưng sẽ được tin chiến thắng của chúng tôi trên nhiều chiến trường khác. Hoặc là các đồng chí sẽ được tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ khi đó sẽ là một chiến thắng rất to".

Lời kết:

Đúng như lời Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nói, quân đội nhân dân Việt Nam – Bộ đội Cụ Hồ là như thế. Quan hệ giữa người chỉ huy và người chiến sỹ trước hết là quan hệ giữa những người đồng chí, những người bạn chiến đấu. Hình ảnh đồng chí Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái nhường ngựa cho một chiến sỹ đau chân, xách giày trong tay lội suối là hình ảnh tiêu biểu cho truyền thống ấy của quân đội ta, tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa người chỉ huy và người chiến sỹ. Chính giá trị nhân văn cao cả ấy mới là cội nguồn để làm nên chiến thắng…