Chuyện kể lại về 17 ngày “ăn cơm nắm, nằm gầm giường”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi lằn ranh sống - chết mỏng manh đến nghiệt ngã, đủ thứ áp lực cuộc sống đổ đầu khiến thân xác tiều tụy, họ vẫn kiên cường chịu đựng, đương đầu tất cả bằng khát vọng sinh tồn mãnh liệt, bằng tình yêu thương con người. Đó là trải nghiệm quý giá với bản thân tôi trong 17 ngày “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” cùng những người chăm bệnh nhân.
Phóng viên Thuần Thư

Phóng viên Thuần Thư

Công việc của một phóng viên đòi hỏi sự chủ động, bắt đầu từ ý tưởng đề tài. Song giữa cuộc sống ngồn ngộn chất liệu, đôi khi đề tài thú vị lại được gợi mở, khai phá một cách tình cờ. Từ biến cố gia đình, tôi có cơ hội được tiếp xúc, sẻ chia với nhiều số phận éo le, biết thêm về nghề “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” mà bản thân cũng là nhân vật chính trong 17 ngày chăm người thân tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E.

Câu chuyện tình yêu giữa lằn ranh sinh tử

Chị Hạnh nắm tay anh Phúc - người chồng đang phải chống chọi với bạo bệnh

Chị Hạnh nắm tay anh Phúc - người chồng đang phải chống chọi với bạo bệnh

Hình ảnh khiến tôi nhớ mãi là khi chị Hạnh - người phụ nữ cao chỉ 1m40, khệ nệ leo 4 tầng cầu thang bộ với bụng bầu 5 tháng, cùng lỉnh kỉnh đồ vào chăm chồng. Anh Phúc - chồng chị, là lao động tự do, không may trong lúc làm việc trượt chân ngã từ gác xép xuống đất. Từ ngày anh gặp nạn, chị vừa chăm con, vừa buôn bán thêm, và chỉ tranh thủ lúc nghỉ trưa để vào thăm anh. Vừa bón cháo cho chồng qua đường ống thông, chị Hạnh vừa động viên anh cố gắng ăn nhiều cho mau bình phục. Khi anh ăn xong, chị lại tất tả cầm thau đi lấy nước ấm về lau người cho chồng, rồi nắm tay âu yếm, kể những câu chuyện vui về đứa con trai 4 tuổi đáng yêu của hai người. Có lẽ nhờ nguồn năng lực tích cực ấy mà dù phải nằm một chỗ, xung quanh là chằng chịt máy móc hỗ trợ, song trong mắt anh Phúc luôn ánh lên niềm vui mỗi khi có vợ ở bên. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, tần tảo, đầy ắp tình yêu thương dành cho chồng khiến người chứng kiến đều khâm phục.

Thật bất ngờ khi trong bệnh viện, nơi con người đứng trước lằn ranh sinh tử lại có thể bắt gặp sự âu yếm mặn nồng đến thế, nhất là khi nó xuất phát từ một người phụ nữ khiêm tốn về ngoại hình và một người đàn ông thậm chí còn không thể cất tiếng mà chỉ gửi yêu thương qua ánh mắt. Đó có lẽ là câu chuyện tình yêu giữa đời thực, không cần đến khung cảnh thơ mộng hay “trai xinh gái đẹp” như trên phim ảnh, nhưng vẫn thấm đẫm giá trị của tình yêu, tình cảm vợ chồng và trên hết là tình người.

Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, không khó bắt gặp lời than phiền, trách móc số phận. Nhưng thật thú vị, bệnh viện - nơi con người phải đấu tranh cả thể xác lẫn tinh thần để giành giật sự sống, giữ chân người thân khỏi “lưỡi hái tử thần”, nơi tiền bạc nặng gánh hơn bao giờ hết lại vắng bóng những lời than vãn. Ở đó, chỉ có những con người đồng cảm, sẻ chia, động viên nhau “còn nước còn tát”, “còn người là còn của”, và cùng vượt lên số phận. Nếu khi nào bạn cảm thấy cuộc sống, cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè… như đang quay lưng lại với mình, cuộc sống như chỉ toàn màu đen, hãy đến bệnh viện, tìm tới những hành lang, gầm cầu thang, nơi những con người vẫn đang bền bỉ, gắng gượng cùng người thân vượt lên áp lực, chiến đấu với bệnh tật, nhen lên hy vọng được sống, được đoàn tụ gia đình, từ đó có sự so sánh, chiêm nghiệm và biết bản thân cần phải làm gì - đó hoàn toàn là gợi ý nghiêm túc!

Vui buồn nghề “ăn cơm nắm, nằm gầm giường”

Tác giả (bên phải) đã có trải nghiệm 17 ngày “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” trong bệnh viện

Tác giả (bên phải) đã có trải nghiệm 17 ngày “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” trong bệnh viện

Trong số người chăm bệnh nhân, không chỉ có người thân mà cả những người được thuê dịch vụ. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro sức khỏe, mưu sinh bằng công việc rất đặc thù này. Trước nhu cầu ngày một lớn, trông bệnh nhân dần trở thành một “nghề”, có hẳn các công ty đứng ra môi giới, kết nối lao động với người nhà bệnh nhân, đáp lại, họ nhận về khoảng 30% tiền công.

“Nghề” trông bệnh nhân thoạt nhìn tưởng nhàn nhã nhưng phải người trong cuộc mới thấm thía. Không chỉ là rủi ro khi hàng ngày tiếp xúc đủ mọi mầm bệnh, mà giờ giấc cũng chẳng cố định, túc trực 24/24h và phải có mặt ngay khi bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cần gặp. Ban ngày ngủ ngồi trực, tối đến nằm vạ vật bên cầu thang bệnh viện hay trải chiếu nằm ngay dưới gầm giường bệnh. Bữa ăn cũng thất thường, khi thì là suất cơm xin từ đoàn từ thiện, lúc tìm ra mấy quán ngoài cổng viện ăn, song phổ biến là những hộp xôi hay suất cơm nắm mang theo để lót dạ lúc nhỡ nhàng. Cũng bởi đặc thù đó mà “ăn cơm nắm, nằm gầm giường” thường được người trong cuộc dùng để mô tả về… “nghề”.

Có lẽ cũng hiếm “nghề” nào tạm bợ và rủi ro như trông bệnh nhân, bởi hợp đồng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, tuỳ vào tình trạng bệnh nhân hoặc đôi khi là ý của người thuê. Những thỏa thuận tài chính (đa số bằng miệng) cũng có thể bị thay đổi, hủy bỏ tùy hứng, mà phía chịu thiệt thường là người lao động. Ánh mắt nhìn xa xăm, chưa biết đi đâu về đâu của bà Hậu (55 tuổi, quê Nam Định), sau khi bị “khách hàng” đột ngột chấm dứt hợp đồng phần nào cho thấy sự bấp bênh của nghề.