Chuyên gia: Từ chối dầu của Nga sẽ khiến phương Tây chịu thiệt hại nặng

ANTD.VN - Cấm vận dầu của Nga không chỉ gây hại cho Moskva mà còn đang khiến phương Tây lâm vào thế khó.

Cơ chế hoạt động của các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga do phương Tây áp đặt, cũng như những phương pháp chống lại chúng đã được phân tích bởi một chuyên gia hàng đầu của Moskva.

Các nước G7 sẽ sửa đổi trần giá đối với dầu của Nga vào tháng 3/2023. Điều này được Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chống tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính - bà Elizabeth Rosenberg phát biểu trong hội nghị năng lượng quốc tế CERAWeek.

Trước diễn biến này, trang PolitExpert (PE) đã thảo luận về thông điệp từ Mỹ với chuyên gia Igor Yushkov - một nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia.

Trong quá trình áp dụng biện pháp trừng phạt, các nước G7 đã đồng ý rằng, thỏa thuận nên được xem xét hai tháng một lần, nhưng theo người đối thoại của tờ PE, vấn đề là không rõ các quan chức phương Tây sẽ xác định giá dầu trung bình của Nga như thế nào.

“Không rõ họ muốn theo dõi giá dầu trung bình của Nga như thế nào. Trong các tài liệu ban đầu, họ buộc phải xem xét lại mức giá trần hai tháng một lần nhằm hạ thấp chỉ số này xuống dưới mức giá trung bình".

"Không rõ liệu các quan chức và chuyên gia kinh tế phương Tây có thực sự theo dõi giá trung bình của dầu Nga, hay chỉ đơn giản lấy con số 60 đô la và trừ đi 5%, đây là cách ưa thích của họ”, chuyên gia Yushkov nhận xét.

Ông Yushkov nhớ lại rằng, ban đầu để đối phó với các lệnh trừng phạt, Nga đã giảm xuất khẩu, khiến giá mỗi thùng dầu lên tới hơn 100 đô la. Sau khi tái tập trung vào thị trường châu Á, xuất khẩu của Nga đã vượt quá mức trước khi bị cấm vận.

"Bản thân Liên minh châu Âu và Mỹ cũng là những nhà nhập khẩu năng lượng lớn và chính họ đã đưa ra mức giá trần", chuyên gia Yushkov nói thêm.

Ý nghĩa của việc làm này là khiến Moskva kiếm được càng ít càng tốt do hạn chế vận chuyển, nhưng vẫn phải tiếp tục xuất khẩu hydrocarbon. Đồng thời trên thực tế, phương Tây sẽ không thể từ chối nguồn cung cấp từ Nga.

“Tất cả những nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ đều hiểu rằng nếu họ đưa ra lệnh cấm bất kỳ ai mua vàng đen của Nga, thì xuất khẩu sẽ gặp vấn đề và xảy ra tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới".

"Điều này sẽ gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường dầu mỏ, không chỉ sản phẩm của Nga, dầu của các quốc gia khác đều sẽ tăng giá lên mức rất cao và chính phương Tây sẽ phải chịu đựng điều này”, ông Yushkov dự đoán.

Do vậy nhà phân tích người Nga kết luận, tập thể phương Tây sẽ đơn giản là tự gây ra tổn thất với mình khi cố gắng cắt đứt phần còn lại của thế giới khỏi dầu mỏ của Nga.

Các biện pháp trừng phạt đối với việc cung cấp "vàng đen" bằng đường biển từ Liên bang Nga đến EU có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, giới hạn trần giá 60 đô la đã được đặt ra. Kể từ ngày 5/2/2023, lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu của Nga chính thức được áp dụng.

Ở chiều ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký văn bản trả đũa vào ngày 27/12/2022, bằng cách cấm cung cấp dầu cho những khách hàng tuân theo các biện pháp trừng phạt do phương Tây ban hành.