Chuyên gia Nhật bơi lặn trong bể thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch

ANTD.VN - Chiều 8-8, trước sự ngỡ ngàng của người dân, TS Kubo Jun- Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến thương mại- Môi trường Nhật Bản đã bơi thậm chí tắm ngay ở khu vực thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Bio – Nano của Nhật.

Chuyên gia Nhật Bản cho biết, nước sông Tô Lịch sau khi xử lý đã trong xanh, không còn mùi hôi, có thể bơi mà không ngứa ngáy

16h chiều, ở đoạn sông Tô Lịch gần đường Hoàng Quốc Việt, nơi đã được quây lại để thử nghiệm làm sạch nước bằng công nghệ Bio – Nano,  TS Kubo Jun - Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản đã vào bể số 4, để lấy mẫu nước. Trước sự chứng kiến của nhiều người dân, ông Kubo Jun thậm chí bơi lặn trong khu vực này.

Trao đổi với báo chí, TS Kubo Jun cho biết khu vực chứa nước thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Việt Nam sau khi xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor; nước trong và hoàn toàn không có mùi hôi.

“Tôi bơi lặn và rửa mặt bằng nguồn nước này cảm giác như mình đang tắm ở bể bơi nước ngọt thông thường, sau khi lên bờ, không cảm thấy ngứa hay có bất cứ khó chịu nào”, TS Kubo Jun chia sẻ.

Từ phải qua là mẫu nước chưa xử lý, rồi đến chai nước đã xử lý xong và cuối cùng là chai nước tinh khiết 

Trước đó, khu vực thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch được quây lại và chia ra làm 4 bể. Bể đầu tiên là bể xử lý yếm khí, trong đó đặt tấm Bioreator kích hoạt vi sinh vật kị khí, cung cấp giá thể cho vi sinh vật, bể thứ hai là bể hiếu khí, đặt máy sục khí Nano nhằm kích hoạch vi sinh vật hiếu khí, sau đó đến bể bùn hữu cơ phân hủy, trơ lại bùn vô cơ lắng lại, cuối cùng là bể nước sau xử lý đã đạt quy chuẩn Việt Nam, có thể dùng làm nước sinh hoạt hoặc tắm được. 

Cũng trong chiều nay, công ty JVE (đơn vị thử nghiệm) cũng lấy mẫu nước ở khu vực thử nghiệm. Quan sát bằng mắt thường, mẫu nước có độ trong tương đương với nước tinh khiết dùng trong sinh hoạt.

Chứng kiến việc hi hữu này, anh Trần Minh Võ (trú tại Hoàng Quốc Việt) chia sẻ: “Đúng là việc chưa từng thấy. Dù sao chúng ta cũng phải cám ơn, trân trọng sự nhiệt tình của các chuyên gia Nhật. Người dân mong sớm có kết quả kiểm nghiệm cuối cùng về công nghệ này”. 

Tin cùng chuyên mục