Chuyên gia Nga chỉ rõ lỗ hổng phòng không bị Mỹ khai thác triệt để, tấn công Syria

ANTD.VN - Hiện tại mặc dù có sự trì hoãn, nhưng nguy cơ Mỹ cùng đồng minh mở cuộc tấn công quân sự vào Syria vẫn là rất rõ nét, phòng không Nga cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học quá khứ mới đủ sức bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Phương tiện được trông cậy nhất sẽ bẻ gãy đợt tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ cùng đồng minh tiến hành dĩ nhiên là các hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Nga đang triển khai ở Latakia, Hmeimim và S-300V4 ở căn cứ hải quân Tartus. 

Tuy nhiên trong đợt tấn công bằng tên lửa Tomahawk của tàu chiến Mỹ vào năm ngoái, toàn bộ các tổ hợp trên đã không có bất cứ phản ứng nào, đây được xem là một thất bại và điều này được các chuyên gia quân sự Nga giải thích như sau.

Hệ thống S-400 có tầm bắn lên tới 400 km (tùy thuộc vào loại tên lửa mà nó sử dụng), trong khi đó tổ hợp S-300V4 sử dụng tên lửa 9M82M có thể tấn công mục tiêu ở cách xa 200 km.

Kể từ khi củng cố khả năng phòng không của Nga ở Syria và thiết lập được mạng lưới cảnh báo chung, các quan chức Nga luôn khẳng định khả năng của các thiết bị trên và tuyên bố họ đã bao phủ toàn bộ không phận Syria ở mọi độ cao cũng như cự ly. 

Tuy nhiên thực chất những hệ thống S-300 và S-400 không được thiết kế để chống lại các tên lửa cận âm tầm thấp bay bám địa hình kiểu như BGM-109 Tomahawk mà chỉ dành đối phó tên lửa đạn đạo và máy bay bay cao.

Đại tá Mikhail Khodarenok, một chuyên gia về phòng không cho biết, trong cuộc tập kích năm ngoái, căn cứ không quân Al-Shayrat nằm cách Latakia 200 km, do đó ở bên ngoài tầm với của S-400.

Ngoài ra ở phạm vi này tên lửa đối phương phải bay ở độ cao 8 - 9 km thì S-400 mới đánh chặn được, còn nếu bay thấp hơn thì radar của S-400 không thể "nhìn thấy" đạn do độ cong của bề mặt trái đất.

Tương tự, hệ thống phòng không lục quân S-300V4 Nga triển khai ở Tartus có tầm bắn hiệu quả thực tế chỉ khoảng 100 km với điều kiện mục tiêu phải bay ở độ cao 6 - 7 km, nó dĩ nhiên cũng không thể chặn Tomahawk đã rất khéo "luồn lách" qua khe hở cự ly.

Theo Đại tá Igor Maltsev, cựu sĩ quan Tham mưu Lực lượng phòng không Nga thì tên lửa Tomahawk đã bay ở độ cao chỉ 50 - 60 m ngay sau khi rời bệ phóng của khu trục hạm Mỹ.

Do vậy, ông Maltsev kết luận rằng các tổ hợp S-400 và S-300V4 nằm ở Latakia và Tartus đã không có cơ hội để phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa được Mỹ thực hiện vào năm ngoái.

Để bảo vệ Syria trước cuộc tấn công tương tự trong tương lai, ông Maltsev tin rằng sẽ cần 4 hoặc 5 tiểu đoàn S-400 cùng với hệ thống trinh sát radar để có thể phát hiện tên lửa hành trình, bên cạnh các trung đoàn không quân trang bị các chiến đấu cơ hiện đại Su-30SM hay Su-35.

Ông Nikolai Novichkov, một chuyên gia kỹ thuật đã đánh giá một số khía cạnh kỹ thuật của cuộc không kích năm ngoái và đồng ý với các chuyên gia phòng không như Khodarenok và Maltsev rằng S-400 và S-300V4 khó mà chặn nổi Tomahawk trong tình huống trên. 

Bên cạnh đó, ông Novichkov cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã sử dụng máy bay EW-18G Growler để thực hiện tác chiến điện tử, và cho rằng những quả tên lửa hành trình này đã bay qua bờ biển Syria rất gần Tartus, về lý thuyết cho phép có thể theo dõi nhưng radar cảnh giới đã bị EA-18G "bịt mắt".

Bằng một cách hết sức khôn ngoan, người Mỹ đã lợi dụng giới hạn về tầm bắn và điểm yếu khi tác chiến tầm thấp của các hệ thống phòng không Nga triển khai tại Syria để thực hiện cuộc tấn công tên lửa, khiến Nga không kịp cảnh báo cho đồng minh.

Cuộc tấn công mới dự kiến sẽ vẫn diễn ra theo cách tương tự ở khoảng cách đủ xa bờ biển Syria và các căn cứ quân sự Nga để tránh sự đáp trả của các thiết bị phòng không, hoặc thậm chí bay qua không phận Lebanon trước khi bay vào Syria, và đều được hậu thuẫn bởi máy bay tác chiến điện tử.

Rõ ràng người Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ những lỗ hổng của các hệ thống phòng không Nga bao gồm S-400, S-300V4 để có thể tung đòn tấn công một cách hợp lý nhất, sẽ là rất vất vả để Nga có thể sớm khắc phục hạn chế này, nhất là khi thời khắc chiến sự đã tới gần.