Chuyên gia: "Lạm phát giảm nhưng người tiêu dùng chưa mấy vui"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, giá nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng vẫn cao khiến đời sống người dân khó khăn.

Sáng nay (4/7) Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2023”.

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng sau đó giảm mạnh hơn dự báo.

Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).

Cùng với đó, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Điều này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.

Nguyên nhân thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. “Theo công bố của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu” – TS Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Với những diễn biến nêu trên, vị chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm. Cùng với đó, các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá khá ổn định...

“Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%” – TS Nguyễn Đức Độ dự báo.

Lạm phát giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm

Lạm phát giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm

Đưa ra dự báo CPI năm 2023 sẽ ở mức 3,5 – 3,8%, TS Phạm Văn Bình (Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính) cho biết, so với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm quốc gia có mức lạm phát cao.

Nguyên nhân, bên cạnh công tác điều hành giá của Chính phủ, thì áp lực nhập khẩu lạm phát cũng giảm, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, giá cả mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.... cũng giúp kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2023.

Cùng với đó, mặt hàng xăng dầu có xu hướng giảm, một số mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng giảm, đặc biệt là thép...

Đời sống người tiêu dùng chưa mấy vui!

Dù lạm phát giảm, song đại diện Cục Quản lý giá cũng đưa ra một số áp lực lên mặt bằng giá cả trong 6 tháng cuối năm, trong đó việc lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 sẽ tác động đến các hàng hóa, dịch vụ khác; giá điện tăng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi; giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm;

Cùng với đó, giá sách giáo khoa các bộ mới và một số mặt hàng do Nhà nước định giá thực hiện điều chỉnh như giá dịch vụ giáo dục năm học 2023- 2024 dự kiến sẽ tăng theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tăng...

Ở khía cạnh thị trường, dù đánh giá hiện nay “giá cả tương đối êm dịu”, song chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lại cho rằng thị trường bán lẻ vẫn tồn tại nhiều bất cập. Trong khi giá từ tay người sản xuất rất rẻ thì qua các khâu trung gian phân phối đến tay người tiêu dùng lại cao, làm cho sức mua yếu.

“Đơn cử như giá cam tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg, nhưng Hà Nội vẫn 25.000 đồng/kg. Thịt lợn có lúc giảm 37%, giá ở chợ xuống 130.000 đồng/kg, nhưng khảo sát một số siêu thị vẫn 200.000 đồng/kg. Điều này cho thấy hiệu lực quản lý giá của chúng ta còn yếu” – vị chuyên gia đánh giá.

Ngoài ra, theo ông hệ thống giá dịch vụ nhiều mặt hàng lên rồi không xuống, nhiều giá dịch vụ ngầm tăng... khiến đời sống người tiêu dùng khó khăn. “Người lao động vất vả, ăn bữa cơm trưa 15.000 – 20.000 đồng không ăn nổi. Giá cả dịu nhưng đời sống người tiêu dùng chưa mấy vui, chúng ta phải khắc phục” – ông Vũ Vinh Phú nói.

Ông Phú cũng đưa ra bất cập trong hệ thống phân phối. Hiện nay, mặc dù chúng ta có hàng nghìn siêu thị, khoảng 9.000 chợ nhưng lượng hàng hóa sạch vào siêu thị rất ít, chỉ khoảng 10%. Một số hệ thống siêu thị thống lĩnh độc quyền, khiến hàng hóa vào siêu thị khó khăn, bị ép chiết khấu, đẩy giá lên, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam...

“Hệ thống phân phối hàng hóa của Việt Nam qua quá nhiều khâu trung gian, lằng nhằng, bà con lợi nhuận thấp, trung gian phân phối lợi nhuận cao. Trong khi các nước đã xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng ngắn” – vị chuyên gia nói và nhấn mạnh Việt Nam phải tổ chức lại hệ thống phân phối, nâng cao tính nhân văn chia sẻ cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh đời sống người lao động khó khăn.